SearchNews

Làm sao gỡ rối khi… rối từ đầu?

14/10/2009 08:22

Hàng nghìn hộ dân sống trong KĐTmới Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) như ngồi trên đống lửa, khi hay tin cơ quan thuế Q.7 thông báo nộp 100% thuế sử dụng đất (SDĐ), nhiều người phải đóng đến 2 tỷ đồng.

Hàng nghìn hộ dân sống trong KĐTmới Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) như ngồi trên đống lửa, khi hay tin cơ quan thuế Q.7 thông báo nộp 100% thuế sử dụng đất (SDĐ), nhiều người phải đóng đến 2 tỷ đồng.

Vì sao người dân lại phải đóng thuế SDĐ thay cho chủ đầu tư như vậy?

Giấy phép con và hệ lụy

Cty TNHH liên doanh Phú Mỹ Hưng (Cty PMH) được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 602/GP ngày 19/5/1993 do Ủy ban Nhà nước về Hợp tác Đầu tư (nay là Bộ KHĐT) cấp để xây dựng, kinh doanh tuyến đường ô tô dài 17,8km, rộng 60m từ phía Bắc huyện Nhà Bè đến huyện Bình Chánh – TP.HCM và xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng tại các cụm phát triển dọc 2 bên đoạn đường này, với tổng diện tích khoảng 600 ha đất thuê, trong 50 năm. Vốn đầu tư của dự án trên khoảng 242 triệu USD.

Các quy định của luật vào thời điểm đó không hề cho phép nhà đầu nước ngoài được quyền bán nhà và chuyển nhượng quyền SDĐ. Mãi đến 1/2/2002, Chính phủ mới ra văn bản số 134/CP-QHQT, cho phép Cty PMH được thực hiện “việc cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng để thực hiện các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, bán nhà cho các tổ chức, cá nhân VN, chuyển nhượng quyền SDĐ đã phát triển hạ tầng”.

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Năm 1996, Chính phủ mới cho thực hiện thí điểm 2 dự án liên doanh nước ngoài là khu đô thị mới Nam Thăng Long (Hà Nội) và khu đô thị An Phú (TP.HCM). Đến năm 1998, Thủ tướng đã đồng ý cho TP.HCM thực hiện thí điểm việc “cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà ở, cho thuê đối với người Việt Nam hoặc người nước ngoài thuê, nhưng phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, đúng quy định của TP”.

Ngày 20/10/2003, Bộ KH&ĐT mới ra quyết định điều chỉnh giấy phép số 602/GPĐC7, bổ sung chức năng cho Cty PMH được phép “xây dựng nhà ở để bán” – không được chuyển quyền SDĐ. Nhưng từ trước đó (từ năm 1998-2000), UBND TP.HCM đã “tự thí điểm”, cấp 6 “giấy phép con” cho Cty PMH xây nhà để bán và chuyển quyền SDĐ. Ví dụ, giấy phép số 28/GP-HCM ngày 27/4/1998, cho phép Cty PMH xây dựng thí điểm khu phố đa hợp Mỹ Hưng với diện tích 15.540 m2 trong khu A để bán cho người VN; giấy phép số 163/GP-HCM ngày 31/8/2000, vốn đầu tư 4,5 triệu USD để xây dựng nhà ở, với diện tích 8.357 m2 trong khu A để bán… Bộ KH&ĐT đã có văn bản khuyến cáo rằng, các “giấy phép con” trên là không đúng với quy định của luật pháp và yêu cầu UBND TP.HCM phải rút lại. Mãi đến ngày năm 2003, UBND TP.HCM mới ra Quyết định 2414 chấm dứt hiệu lực pháp lý của 6 “giấy phép con” đã cấp cho Cty PMH.

Theo Bộ KH&ĐT, tuy là giấy phép con, nhưng thực chất cho phép một dự án độc lập được thực hiện…, khi chấm dứt phải có thanh lý, xem xét việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của từng dự án của “giấy phép con” này. Việc UBND TP.HCM cấp các “Giấy phép con” nêu trên đã vượt quá thẩm quyền cho phép và việc rút các giấy phép đó không gắn với việc xử lý các hệ quả của nó tạo ra khó khăn lớn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo “khoảng trống” về mặt pháp lý đối với các dự án do UBND TP.HCM cấp Giấy phép đầu tư.

Thật vậy, “giấy phép con” chỉ cho phép bán nhà, nhưng trên thực tế, Cty PMH còn bán đất có hạ tầng, trái với quy định của Giấy phép đầu tư ban đầu 602/GP năm 1993. Tại khu A, trong khu R có trường đua ngựa chưa hoàn tất điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000, Cty PMH đã phân lô bán đất có hạ tầng gần 1.900 lô chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, với tổng diện tích khoảng 320.000 m2 và xây dựng không phép 23 công trình nhà ở để bán có quy mô sử dụng đất hơn 260.000 m2. Điều này vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý quy hoạch, xây dựng và sử dụng đất đai.

Phú Mỹ Hưng cũng xây nhà trái phép?

Theo quy định của Luật Đất đai, Xây dựng, Nhà ở… nhà đầu tư trước khi được phê duyệt dự án tổng thể phải làm nghĩa vụ đóng tiền SDĐ mới được cấp phép. Cty PMH là một nhà đầu tư nước ngoài, thì phải đóng tiền thuê đất cho Nhà nước và phải nộp tiền SDĐ theo quy định. Thực tế, từ sau khi có các “giấy phép con”, Cty PMH đã tiến hành xây dựng hàng loạt nhà ở để bán; đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phân lô bán nền, mà không hề nộp tiền SDĐ.

Việc xây dựng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép của Cty PMH diễn ra suốt hàng chục năm qua mà không có cơ quan chức năng nào làm sáng tỏ. Đến nay hàng nghìn người dân khi làm thủ tục cấp giấy chủ quyền mới té ngửa. Năm 2004, khi Cty PMH chuyển tiền lợi tức doanh nghiệp ra nước ngoài mà “quên” làm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp với Nhà nước cũng là một sự kiện gây bức xúc dư luận. Cty PMH đã định kiện Bộ KH&ĐT ra tòa để bảo vệ quyền lợi, rằng tại sao phải nộp 25% thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì 10% như Giấy phép 602/GP năm 1993. Cuối cùng Thanh tra Chính phủ vào cuộc và buộc Cty PMH phải nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 25% như quy định của pháp luật Việt Nam.

Tối 12/10, ông Nguyễn Thành Tài, PCT UBND TP.HCM có cuộc họp với các sở, ngành liên quan để bàn giải pháp cho việc nộp tiền SDĐ của khu đô thị PMH. Các cơ quan chức năng TP đã đề xuất thành phố chỉ nên thu tiền SDĐ của dân ở ngay thời điểm ký hợp đồng, nhằm giảm mức giá tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, đề xuất này cũng không khả thi, khi chưa làm rõ tính pháp lý trong việc nộp tiền SDĐ là thuộc về ai? Ông Tài đề nghị các sở, ngành nghiên cứu tham khảo cấp bộ và có ý kiến đề xuất cụ thể.

(Theo TT&VH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu