Nhắc đến hoa lan rừng chắc hẳn người dân phố núi Kom Tum nào cũng không mấy làm lạ bởi sáng nào cũng thấy những cây lan rừng được gùi đi bán dạo tại một số tuyến đường của thành phố.
Nhất là những ngày giáp Tết, số lượng hoa lan rừng “dạo” phố nhiều hơn. Những bông lan đủ loại với màu sắc sặc sỡ vàng, tím, trắng… cùng với mùi hương nồng nàn đã “hút hồn” biết bao con người qua đường mỗi khi bắt gặp.
Đặc sắc lan rừng
Lan rừng có rất nhiều loại: Nguyệt Quế, Hồ điệp, Vũ nữ, Đoản kiếm, Vũ kiếm, Hài đài cuộn, Kim tuyến, Tuổi ngọc.. và thay nhau nở suốt bốn mùa Xuân - hạ - thu - đông. Mùa xuân là mùa khoe sắc của những những bông hoa Xuân Nghing, Trúc Lan, Giả Hạc...
Lan rừng được hấp thụ ánh nắng nhiều có một thân hình khoẻ khoắn, lá to, rễ dài và mập, có sức sống bền dai, nhất là hoa Hồ điệp, hoa Hài đài cuộn có thể cho ra hoa bền từ 2 đến 3 tháng, có mùi hương thơm dễ làm ngây ngất lòng người. Vì vậy, nhiều người dân ở Tây Nguyên và “phố núi” Kom Tum này rất thích chơi lan rừng. Nhưng để lan rừng ra hoa đẹp, nhất là đúng vào mỗi dịp tết về, người chơi hoa lan phải tìm hiểu đặc tính của các loại lan và chăm sóc rất cẩn thận.
Những người chuyên lên rừng tìm hoa lan về bán lâu ngày cũng có được kinh nghiệm chăm sóc lan rừng. Sau khi có được hoa lan rừng, người dân thường mang cắt tỉa, ráp rễ vào một thân cây khác cho rễ bám vào đó nuôi sống cây Lan rồi mang luôn xuống phố bán. Một số cây lan còn nhỏ người ta trồng vào chậu với một ít than củi và tưới nước theo kỳ là hoa lan đã có thể sống và phát triển xanh tươi.
Nhưng để kiếm được lan rừng không phải là dễ. Những “chủ” hoa lan rừng ở đây phải lên tận các rừng ở huyện Ngọc Hồi để tìm và phải mất 3 đến 4 ngày mòn mỏi tìm mới mong kiếm được dăm bảy cây lan rừng. Nhất là những năm gần đây một số loại lan rừng đã được liệt vào sách đỏ như lan Hài đài cuộn, lan kim tuyến và nhiều loại lan bắt đầu giảm mạnh về số lượng.
Hút khách
Dọc quanh các tuyến đường Trần Phú, Lê Hồng Phong chúng ta bắt gặp rất nhiều người dân gùi những chậu, giò lan rừng đi bán, cũng rôm rả đâu đó một số điểm bán lan rừng cố định trên các tuyến đường này.
Đứng ngắm những chậu lan được bày bán bên đường Trần Phú một lúc, đã thấy vô số người đến hỏi và mua lan rừng. Không phải ngẫu nhiên mà lan rừng được người dân “Phố núi” Kom Tum ưa chuộng đến thế. Người mua hai, kẻ mua ba đến 4 chậu, giò lan về trồng.
Bán ở đây chủ yếu là các loại Lan Hồ điệp, Nguyệt quế, Tuổi Ngọc…với giá từ 20 đến 50 ngàn đồng/ giò lan và 70 đến 150 ngàn đồng/chậu. Nhìn những cây lan rừng khoẻ khoắn khoác lên mình đủ màu sắc sặc sỡ, chị Nguyễn Thị Loan, giáo viên trường THCS Nguyễn Huệ, thành phố Kom Tum cho biết: Lan rừng có tuổi thọ cao hơn những cây lan trồng ở những vùng đất khác, từ khi nở hoa đến ngày tàn nụ cũng kéo dài 2 đến 3 tháng. Sau khi tàn khoảng 2 tháng sau lan rừng lại cho nở hoa rất đẹp. Vì thế trong nhà đã có đến gần 40 chậu lan nhưng ngày nào có giò lan nào đẹp được mang từ rừng về là chị lại ghé qua mua về trồng. Cũng từ đó mà chị trở thành người khách rất quen thuộc của những người dân chuyên lên rừng tìm lan về bán nơi đây.
Cũng như chị Loan, chị Thanh Hoa một khách hàng thích chơi lan rừng cũng không quên mua cho mình một chậu lan Nguyệt quế giá 70 ngàn đồng về trưng bày dịp tết mặc dù chậu lan này chưa hề có một nụ hoa nào cả. Theo chị Hoa thì “nhìn chậu lan này chẳng có gì đẹp ngoài màu xanh của thân và lá cây nhưng để đến tết thôi lan sẽ nở hoa cho thấy cánh hoa khoẻ khoắn và sung sức lắm. Nhà chị năm nào cũng mua vài chậu hoa Cúc trưng bày dịp tết nhưng không năm nào nhà chị thiếu những bông lan rừng, nhìn lan rừng nở khoẻ khoắn cũng mong năm mới đến với gia đình chị ai cũng đều khoẻ mạnh…”.
Phải nói là đặt cạnh những chậu lan mang từ Đà Lạt, Sài Gòn về, từ thôn làng khác tới, những chậu lan rừng đẹp không thua kém gì. Nhất là với sự khoẻ khoắn, cứng cáp với hương thơm nồng nàn, màu sắc sặc sỡ mà lan rừng đã thu hút rất nhiều người qua đường ghé thăm và “thu phục” được những khách hàng chơi lan khó tính nhất.