SearchNews

Làng công nhân vẫn trên giấy

27/09/2006 08:26

Khu vực quanh khu công nghiệp Thăng Long có tới 20.000 công nhân ở trọ trong những ngôi nhà chật chội. Trong khi đó, dự án làng công nhân vẫn nằm trên giấy.

Khu vực quanh khu công nghiệp Thăng Long có tới 20.000 công nhân ở trọ trong những ngôi nhà chật chội. Trong khi đó, dự án làng công nhân vẫn nằm trên giấy.  

Làng Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội là nơi sinh sống của hàng nghìn công nhân Khu công nghiệp Thăng Long. Ngay ở đầu làng là một khu nhà trọ lớn với hơn 70 phòng nhỏ, mỗi phòng khoảng 8-10 m2. Chủ khu nhà cho biết, khu nhà này ở gần đường sang khu công nghiệp nên lúc nào cũng đông công nhân thuê với giá 300.000 đồng/phòng/tháng.

Hai dãy nhà quay mặt vào nhau, với lối đi chung ở giữa rộng chừng 1,5 m, được tận dụng làm nơi phơi quần áo của cả khu trọ. Căn phòng chỉ vừa vặn 1 chiếc phản cho 2 người, 1 chiếc xe đạp và vài thứ đồ là chật cứng. Thứ duy nhất được gia chủ “khuyến mại” cho người thuê phòng là chiếc phản đóng bằng gỗ tạp.

Các gia đình tại xã Kim Chung đều có phòng trọ. Các dãy phòng lợp ngói ximăng ken dày san sát. Nguyễn Thị Thương quê Hà Nam, làm việc tại dây chuyền sản xuất phần mềm máy tính của Công ty Ohoika (Nhật Bản), cho biết, 3 năm làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long, cô không nhớ hết đã bao nhiêu lần chuyển nhà trọ, nơi thì nóng bức, nơi thì mưa dột, chỗ lại thường xuyên mất cắp.

Căn phòng mới của Thương rộng chừng 7 m2, vừa được xây dựng, nên khá khang trang, sạch sẽ. Thương cho biết khu nhà trọ này không có chủ nhà ở gần, không biết tình hình an ninh sẽ như thế nào. Từ khi thành phố có chủ trương xây nhà cho công nhân thuê, giá phòng trọ tăng đến chóng mặt vì người dân muốn nhanh chóng thu hồi vốn, tiền điện, nước cũng tăng theo, Thương giải thích.

Làng công nhân vẫn trên giấy

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, gần 20.000 công nhân đang thuê nhà trên địa bàn các xã Kim Chung, Hải Bối, huyện Đông Anh. Năm 2003, UBND Thành phố Hà Nội đã lập dự án xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, với mô hình nhà kiên cố, cao 5-6 tầng, không sử dụng thang máy.

Các đơn vị được giao thực hiện dự án đã tiến hành đo vẽ bản đồ hiện trạng, lập thiết kế cơ sở và phương án đầu tư xây dựng công trình. Dự án đã được UBND Thành phố Hà Nội thông qua năm 2004, nhưng đến nay vẫn không thể triển khai, vì các doanh nghiệp được giao không nhìn thấy lợi ích từ những công trình này.

Ông Đỗ Đình Hùng, Giám đốc Công ty Vinaconex 6, một trong hai đơn vị được UBND Thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư cho biết: “Công ty đã lập 4 dự án đầu tư, nhưng phương án nào cũng... lỗ. Đối tượng công nhân thuê nhà chỉ vào khoảng 135.000 - 150.000 đồng/tháng, trong khi suất đầu tư một căn hộ lên tới 2,5 triệu đồng/m2".

Công ty đang kiến nghị thành phố cho phép bán một phần diện tích nhà (với mức giá khoảng 5,5 triệu đồng/m2, khu nhà vườn có giá bán 11 triệu đồng/m2) để bù đắp chi phí, nhưng phương án này chưa chắc thành công, vì nhà, đất tại Đông Anh rất khó bán”.

Anh Nguyễn Văn Hinh, chủ một khu nhà trọ băn khoăn: “Tại sao thành phố không huy động đầu tư từ những người dân địa phương?”. Theo anh, người dân sẵn sàng tham gia vào dự án, sẽ tuân thủ các yêu cầu về chất lượng nhà, giá thuê phòng và yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự do thành phố đề ra. Anh Hinh cho rằng, như vậy, thành phố có thể tạo chỗ ở cho công nhân, không để giá thuê nhà lên quá cao, trong khi người dân cũng không lâm vào cảnh vừa mất đất để thành phố xây dựng khu công nghiệp, vừa mắc nợ ngân hàng vì xây nhà cho thuê.  

(Theo Đầu tư)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu