Nhiều lần bầu cử nhưng ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á, Garden, TP HCM, vẫn chưa hoạt động vì chính quyền địa phương không ra quyết định công nhận, khiến quyền lợi của hơn 1.000 cư dân bị "treo".
Theo phản ánh của cư dân chung cư Conic Đông Nam Á, họ phải trải qua tổng cộng 4 lần tham gia hội nghị nhà chung cư, tốn rất nhiều thời gian với bao kỳ vọng nhưng tất cả công sức đều thất bại. Trong đó có 3 lần hội nghị do chủ đầu tư tổ chức và một lần bầu cử có đại diện của Phòng Công thương huyện Bình Chánh đến giám sát. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không ra quyết định công nhận ban quản trị đã được bầu. Lý do, hội nghị không đủ 50% số phiếu theo hướng dẫn của Quyết định 08 do Bộ Xây dựng ban hành tháng 5/2008.
Tương tự, chung cư Conic Garden, tòa nhà có cùng chủ đầu tư với Đông Nam Á, cũng rơi vào tình trạng "rắn mất đầu" vì ban quản trị được dân bỏ phiếu tín nhiệm, chủ đầu tư chấp thuận kết quả bầu cử nhưng địa phương lại bác bỏ tư cách ban quản trị. Lý do tương tự như chung cư Đông Nam Á, vẫn là phiếu bầu không đủ số quy định. Điều này đã khiến cho mọi người chán nản, mất niềm tin nên trong lần hội nghị gần đây nhất không có ai chịu ra ứng cử vào ban quản trị. Cuộc bầu cử vì vậy tiếp tục bị đình trệ, quyền quản lý, giám sát tòa nhà không thuộc về người dân mà rơi hết vào tay ban quản lý, công ty con hoặc một phòng ban của chủ đầu tư. Trên thực tế, Ban quản trị là do cư dân bầu làm đại diện; còn Ban quản lý thay mặt chủ đầu tư vận hành tòa nhà trong một năm đầu.
Hậu quả của việc này là nhiều tòa chung cư không có ban lãnh đạo hợp pháp thay mặt người dân đàm phán với chủ đầu tư và ban quản lý về những quyền lợi chính đáng của cộng đồng. Từ đó, việc bàn giao toàn bộ hệ thống tòa nhà cũng bị đình trệ, khoản quỹ bảo trì không được quản lý bằng tài khoản ngân hàng theo luật định, chi phí quản lý bị đội lên theo ý muốn của doanh nghiệp đại diện cho chủ đầu tư. Khi cần bảo trì dân cũng ú ớ không biết kêu ai mới được hỗ trợ.
Đơn cử trường hợp căn hộ B1405 của bà Thư tại chung cư Conic Garden bị thấm nước, nứt tường. Bà đã 5 lần gửi đơn trình báo với ban quản lý chung cư và Công ty TNHH Lĩnh Phong Conic, tức chủ đầu tư nhưng vẫn chưa được giải quyết. Theo phản ánh của các cư dân tại đây, việc thấm dột và nứt tường không phải là chuyện hiếm hoi mà đang diễn ra như cơm bữa ở nhiều hộ khác.
Phó giám đốc Công ty Lĩnh Phong Conic Nguyễn Thị Thanh Tú, đồng thời là thành viên của Ban quản lý cụm chung cư trên phân bua, doanh nghiệp vô can trong việc ban quản trị không được công nhận vì đây là quyết định của chính quyền địa phương.
Bà Tú còn giải thích thêm, trường hợp của bà Thư phải xem xét lại căn hộ có còn trong thời gian bảo hành, bảo trì hay không. Nếu hết hạn thì bà Thư không được hỗ trợ sửa chữa. Bà Tú còn cho rằng Garden đang thuê 1 đơn vị dịch vụ quản lý tòa nhà. Cư dân gặp rắc rối phải phản ánh với công ty dịch vụ mới đúng quy định. Bà còn khẳng định chủ đầu tư xem như vô can trong câu chuyện bảo trì này.
Trong khi đó, theo tài liệu VnExpress.net thu thập được, công ty dịch vụ chỉ mới được thuê quản lý chung cư Garden khoảng 6 tháng. Đơn vị này đã yêu cầu ban quản lý chuyển giao hệ thống sơ đồ tòa nhà nhưng đều bị từ chối. Cách hành xử này của Công ty Conic đã kiến cho việc tự quản, vận hành quản lý tòa nhà Garden gặp không ít khó khăn.
Theo Quyết định 08, hội nghị nhà chung cư là cơ quan quyền lực cao nhất sẽ quyết định nhiều vấn đề của tòa nhà như: phí vận hành, phí bảo trì, quản lý các thiết bị, hệ thống của tòa nhà.... Trong vòng 12 tháng kể từ lúc bàn giao, khi tòa nhà có 50% căn hộ được bán trở lên, chủ đầu tư phải có trách nhiệm tổ chức cuộc họp lần đầu. Hội nghị này phải do các chủ sở hữu và người sử dụng cùng tham dự và đạt trên 50% số phiếu trên tổng số căn hộ. UBND địa phương sẽ căn cứ vào biên bản cuộc họp để ra quyết định công nhận Ban quản trị.
Trưởng phòng Công thương huyện Bình Chánh Đoàn Nhật thì khẳng định: "Ban quản trị không được công nhận là lỗi của Ban quản lý, tức Công ty Conic. Trong khi chưa hiểu rõ Quyết định 08 đơn vị này đã vội tổ chức hội nghị nhà chung cư, phạm nhiều sai sót khi tiến hành bầu ban quản trị".
Theo ông Nhật, yếu tố cần và đủ để tiến hành bầu cử ban quản trị là phải có 50% số phiếu trên tổng số chủ hộ trở lên. Cả 2 cụm chung cư Conic Đông Nam Á và Garden đều vi phạm quy định này nên địa phương không thể ra quyết định công nhận. Ông còn cho hay, dân rất nản lòng nên không ra ứng cử ban quản trị là hậu quả của những sai sót mà Công ty Conic gây ra.
Mặt khác, ông Nhật thừa nhận do chậm cập nhật thông tin, văn bản luật nên huyện Bình Chánh đã buông lỏng tình hình quản lý vận hành chung cư trên địa bàn nên mới xảy ra sự việc Công ty Conic liên tục thực hiện sai Quyết định 08 trong thời gian dài. Lãnh đạo Phòng Công thương huyện Bình Chánh cho hay, nếu ngay cả huyện cũng không làm nổi thì địa phương sẽ xin chỉ đạo, hướng dẫn của Sở và Bộ Xây dựng.
Khi được chất vấn cách tháo gỡ tình trạng này, ông Nhật hiến kế: "Nếu doanh nghiệp bó tay thì chính quyền địa phương sẽ thay mặt ban quản lý tổ chức hội nghị nhà chung cư. Trong trường hợp không có ai ra ứng cử sẽ phải chỉ định ban quản trị tạm thời".
Song, nếu làm như ông Nhật nói thì đây cũng là cách làm đi ngược lại tinh thần của Quyết định 08. Bởi lẽ, Bộ Xây dựng ban hành quyết định này đã khẳng định hội nghị nhà chung cư phải do các chủ sở hữu đồng tham gia bầu cử công khai trên tinh thần dân chủ. Quyết định 08 cũng không có điều khoản nào đề cập đến chuyện chỉ định ban quản trị.
Trong khi ban quản lý tòa nhà đại diện cho chủ đầu tư và chính quyền địa phương liên tục đổ lỗi cho nhau thì hơn 1.000 dân chung cư Conic Đông Nam Á và Garden phải chịu thiệt thòi. Bởi lẽ hiện không có tổ chức hợp pháp nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người sống trong chung cư dù các tòa nhà đã đi vào vận hành được 3-5 năm.
(Theo Vnexpress)