Lễ hội hoa Hà Nội 2010 sẽ diễn ra từ 30/12/2009 đến 3/1/2010, đây là sự kiện đầu tiên trong hơn 80 sự kiện lớn của thành phố nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức, quy mô của lễ hội hoa năm nay sẽ được mở rộng ra khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và có sự tham gia của một số đơn vị nước ngoài. Trong đó, đại sứ quán Hà Lan sẽ tặng 3000 bông hoa tuy-lip, Thụy Sĩ tặng một chiếc đồng hồ bằng hoa.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam, Phó Ban tổ chức cho biết, các thành viên sẽ cố gắng làm tốt nhất Lễ hội hoa để làm đà cho các chương trình tiếp theo. Cũng theo bà Hoa, sở dĩ BTC muốn tổ chức sớm hơn một ngày (năm ngoái là 31/12) là để tránh trường hợp đêm giao thừa Tết Dương lịch, Hà Nội sẽ quá tải người xem hoa và đi chơi.
Các thành viên trong BTC muốn, khu vực quanh Hồ Gươm sẽ hoàn toàn là khu phố đi bộ, tuy nhiên điều này khó khả thi nên Lễ hội hoa chỉ có trục đường đi bộ duy nhất là phố Đinh Tiên Hoàng. Các tuyến phố xung quanh, hoa sẽ được trang trí một cách hợp lý để không ảnh hưỏng đến người đi đường, và ngược lại khói bụi của phương tiện giao thông lẫn người tham gia giao thông không làm tổn hại đến hoa.
Theo đó, toàn bộ khu vực Hồ Gươm sẽ giống như một lẵng hoa khổng lồ, trên mặt hồ sẽ nổi bật con số 1000 kết bằng các bông hoa với sự hỗ trợ của thiết bị đèn chiếu sáng. Những địa điểm quan trọng sẽ được nhấn mạnh bằng các đại cảnh. Cụ thể, khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ, nơi khai mạc lễ hội sẽ có tháp hoa quả cao 6m với 9 con rồng chầu và bản Chiếu Dời đô. Tác phẩm này do một nhóm nghệ nhân TP.HCM thực hiện. Bên cạnh đó là bình sen với những đóa sen lớn có đường kính 1m được kết từ mây dưới bàn tay của các nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh-Hà Nội.
Trên trục đường Đinh Tiên Hoàng, hình ảnh đầu tiên sẽ là biểu tượng của Thăng Long-Hà Nội được kết từ 1000 bông cúc vàng. Tiếp đó là tác phẩm sắp đặt trống hội ngàn năm. Một thiếu nữ trong chiếc áo dài kết từ 1000 đóa hoa sẽ đứng bên những chiếc trống lớn của các nghệ nhân làng trống Lâm Yên, Quảng Nam.
Sắp đặt Làng lúa – Làng hoa sẽ tái hiện Hà Nội xưa với nét đẹp đan xen của nghề trồng lúa, trồng hoa và các thú chơi của người thủ đô. Giữa đường Đinh Tiên Hoàng sẽ là hình ảnh của Khuê Văn Các với mặt hồ nước thả đầy hoa sen.
Ba nhịp của cây cầu Long Biên huyền thoại cũng sẽ được mô phỏng bằng tre, tỏa xuống ba làng nghề: quất, hoa đào và gốm Bát Tràng. Lễ hội hoa cũng dành một góc cho nghệ thuật ca trù, trong đó sân khấu với biểu tượng cây đàn đáy được kết bằng hoa sẽ là nơi các ca nương biểu diễn tài nghệ.
Người già hay hoài niệm sẽ có cơ hội nhìn thấy tàu điện đặt trên hai đường ray hoa. Những người thực hiện chương trình cho hay, họ phải rất khó khăn mới biến ý tưởng này thành hiện thực bởi chính công ty xe điện cũng không còn lưu giữ tư liệu nào về chiếc tàu điện ngày xưa. May thay, có bác công nhân từng làm hơn 30 năm trong ngành đã nhớ lại từng chi tiết để họ mô phỏng lại, hy vọng sẽ giống tàu điện sống trong ký ức nhiều người.
Cuối đường hoa, trước đồng hồ đếm ngược sẽ đặt một cuốn sách lớn bên cạnh những loài hoa của bạn bè như Hà Lan,Trung Quốc, Thái Lan... thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Ngoài ra, các cuộc thi như cắm hoa nghệ thuật, Hoa tay đất rồng và Lễ hội áo dài hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo các nghệ nhân cũng như người dân tham gia.
Tuy nhiên, nhiều người không khỏi lo ngại, cảnh vặt hoa, trộm hoa như lễ hội năm ngoái sẽ tái diễn. Ông Nguyễn Khắc Lợi cho biết, BTC giao cho quận Hoàn Kiếm thực hiện công tác an ninh, trật tự với chủ trương siết chặt hết mức các hoạt động bán hàng rong, hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng không tốt đến lễ hội. Nếu ai có hành động phá hoại sẽ bị xử phạt.
(Theo VNN)