SearchNews

Loạn cốt nền nhà phố

17/07/2007 16:35

Có thể nhìn thấy tại bất kỳ khu dân cư nào ở TP HCM tình cảnh nền nhà dân cao chót vót so với mặt đường. Thậm chí những khu vực có cao độ nền không thấp, song để trừ hao nên ai cũng nâng, nâng vô tội vạ, nâng càng cao càng tốt.

Có thể nhìn thấy tại bất kỳ khu dân cư nào ở TP HCM tình cảnh nền nhà dân cao chót vót so với mặt đường. Thậm chí những khu vực có cao độ nền không thấp, song để trừ hao nên ai cũng nâng, nâng vô tội vạ, nâng càng cao càng tốt.

Có nhà khi xây đã “phòng xa” làm cho nền nhà mình cao 0,4 m so với mặt đường. Thế nhưng, không bao lâu sau đó, nhà của họ đã trở nên thấp hơn mặt đường do đường liên tục được nâng để tránh ngập nước.

Ấn tượng nhất là khi vào cư xá Cửu Long, Bình Thạnh, hàng loạt cây cầu mini dài khoảng 1 m, cao gần 1 m vươn ra ngập hai bên đường. Xen giữa các cây cầu là bậc tam cấp, thềm thì ít nhưng độ cao thì chóng mặt. Cứ phải dắt xe máy vượt qua những cây cầu này, bất kỳ ai cũng toát mồ hôi, chỉ có cư dân ở cư xá này là cảm thấy bình thường vì ai cũng giống ai. Chủ căn nhà không số sát với cây cầu cũ của cảng Ba Son, giới thiệu: “Để có được nền nhà cao thế này, người ít nhất cũng đã phải nâng nền đến ba lần”. Nhà bà hiện có độ cao khoảng 80 cm so với mặt đường. Lý giải chuyện nâng nền cao ngất ngưởng như hiện nay là do mặt đường đã nâng lên hai lần rồi, lần nào cũng phải chạy theo quá mệt, nên lần thứ ba, người dân nâng luôn ở cao độ này, hy vọng nếu như có làm đuờng lần nữa thì không phải bám đuôi theo đường.

Đường Đặng Văn Ngữ, Phú Nhuận là tuyến đường có độ dốc tự nhiên về hướng cuối để thoát nước ra hướng kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè. Song có lẽ khi thực hiện tuyến đường kênh, để tránh tình trạng đường mới làm đã ngập, nên độ cao tuyến đường được nâng lên cao hơn mặt đường gần cả mét, trở thành con đê chắn ngang đường thoát. Hiện nay, chỉ cần một cơn mưa vừa, cũng đủ biến đoạn cuối đường trở thành một cái ao khổng lồ. Do yếu tố này mà toàn bộ đường hẻm, nhà dân tại khu vực cuối nguồn này buộc phải nâng cao ngất ngưởng hơn mặt đường kênh, vì nếu tuyến đường được cải tạo độ cao mới thì ít cũng lên cả mét.

Chẳng phải những khu dân cư trong hóc hẻm phải chịu cảnh nâng nhà chạy theo đường, ngay các tuyến đường chính như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng 8… vẫn có thể chứng kiến nhiều nền nhà nâng cao hơn đường vài chục cm.

Nâng đường, nhà biến thành ao

Hầu hết người dân chỉ biết một khi nâng đường, hẻm thì mặt độ cao được nâng tiếp. Khu vực hẻm 97, Trường Chinh thuộc phường 12, Tân Bình là một điển hình. Theo người dân sống lâu năm tại đây, khu vực hình thành từ những năm đầu thập niên 60. Mãi đến năm 1990 mới bắt đầu ngập nhẹ, tiếp sau đó là cứ năm sau ngập cao hơn năm trước. Ngập nhiều quá, chính quyền địa phương bắt đầu tính chuyện nâng đường. Lúc đầu chỉ làm hai con đường thấp nhất, độ cao được nâng chỉ khoảng 30 cm. Nâng thì hết ngập, nhưng những con hẻm xung quanh lại ngập nặng, vậy là nâng tiếp. Toàn bộ những con hẻm sau được nâng cao hơn hai hẻm đầu khoảng 20 cm. Tình cảnh lại quay về ban đầu, và cách giải quyết là sửa lại cao độ nền hai con hẻm đầu cho tương xứng độ cao những hẻm còn lại. Chuyện cũng chẳng có gì đáng nói nếu những căn nhà lầu mà không lên tiếng phản đối vì sợ nhà thấp hơn đường thì không biết độ cao hẻm sẽ lên đến bao nhiêu và hiện tượng nâng hẻm đến bao giờ mới chấm dứt…

Căn nhà 6F thuộc cư xá Cửu Long, phường 22 Bình Thạnh, được người dân trong khu vực này bình bầu vào “top 10” những căn nhà có độ sâu cao nhất trong khu vực. Để có thể lên mặt đường, cư dân trong nhà phải vượt qua được cây cầu tạm có độ cao khoảng 70 cm. Có lẽ vì không đủ kinh tế để cải tạo và không thể có sức dắt xe gắn máy ra khỏi nhà, chủ nhà đã cho một nhóm nam sinh viên “lực lưỡng” thuê lại nguyên căn, vì chỉ có sức trẻ mới có thể ra khỏi căn nhà này. Cách đó ba con hẻm, nhà chú Phan Huân, số 72D, cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Căn nhà kiên cố một lầu giờ đành chịu cảnh nền thấp hơn đường 30 cm. Theo lời chú Huân, trước đây nhà chú có nền cao hơn đường 40 cm. Hiện trạng này có được sau ba lần nâng hẻm, lần nâng cao nhất là 50 cm. Tại căn nhà số 41D, do mặt đường cao hơn nền nhà 20 cm, để tránh tình trạng nước tràn vào nhà, chủ nhân đã cho xây một bức vách cao 30 cm ngay giữa nhà, biết là bất tiện nhưng vẫn còn hơn là chịu cảnh ngập lụt trong nhà ngay sau cơn mưa.

Thảm nhất khi phải chịu cảnh đường cao hơn nhà, có lẽ là cư dân thuộc chung cư Thanh Đa. Những căn hộ tầng trệt đối diện với chợ, nhờ công trình chống ngập nhiều tỉ đồng của chính quyền địa phương nên toàn bộ những căn hộ tại đây nằm lọt thỏm ở độ sâu 50cm so với mặt đường. Do chung cư đã cố định, nên chẳng ai dám nghĩ đến chuyện nâng nền, vì “không lẽ chui vào căn nhà có chiều cao 1,5 m?” chị Thuỷ, một cư dân ở đây chán nản.

(Theo SGTT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu