SearchNews

Minh bạch phí bảo trì nhà

22/09/2006 15:45

Không quá phản đối, song khách mua nhà chung cư yêu cầu được kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng, thay vì hoàn toàn "mù tịt" như hiện nay.

Không quá phản đối, song khách mua nhà chung cư yêu cầu được kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng, thay vì hoàn toàn "mù tịt" như hiện nay.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Quý đang sống trong một căn hộ trị giá hơn 1 tỷ đồng ở chung cư 39 Nguyễn Trãi. Nhà mua trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực (1/7/2006) nên số tiền bảo trì mà gia đình anh phải đóng khoảng 14 triệu đồng (được trợ cấp 30%).

Anh nói: "Ở nhà đất thổ cư hằng năm cũng phải bỏ tiền ra sửa sang, sơn quét lại. Nay ở chung cư nộp tiền để bảo trì cả tòa nhà cũng hợp lý nhưng đóng một đợt như quy định e khó thực hiện nổi". Anh cũng đắn đo, nếu muốn chuyển chỗ ở, bán lại, sẽ tính sao cho đỡ thiệt khoản phí 14 triệu đồng phải đóng góp. Người mua sau liệu có chấp nhận trả tất cả khoản tiền bảo trì hay không? Theo anh, nên chia nhỏ số tiền phải đóng ra từng tháng hoặc năm để thu cho hợp lý.

Một điểm khiến cư dân các khu đô thị thắc mắc là nếu cộng 2% giá bán mỗi căn hộ, số tiền quỹ bảo trì một tòa nhà chung cư rất lớn, có thể lên tới hàng chục tỷ đồng. Khoản tiền như vậy nếu không được quản lý chặt rất dễ nảy sinh tiêu cực như chiếm dụng vốn, sử dụng lãng phí, tham nhũng... Khu chung cư 39 Nguyễn Trãi có người ở từ hơn một năm nay nhưng chưa bao giờ họp hội nghị nhà chung cư cũng như được thông báo bầu Ban quản trị tòa nhà.

Chủ đầu tư các khu chung cư cũng lo ngại không thu được một lúc vài chục triệu đồng tiền bảo trì căn hộ. "Giá mỗi căn hộ 600 triệu chưa bán được nay bảo họ đóng thêm 12 triệu nữa làm sao họ chấp nhận", một cán bộ Ban quản lý khu đô thị Việt Hưng nhận xét. 

Hiện khách hàng đến tìm hiểu thông tin về căn hộ không hề được báo trước họ có thể phải đóng thêm khoản tiền trên. "Quy định là vậy nhưng còn chán mới có hướng dẫn, rồi liệu có thực thi được hay không, nói với khách khác nào đuổi họ sang dự án khác", chàng cán bộ cho hay.

Chờ thông tư hướng dẫn

Các chuyên gia địa ốc, xây dựng tán thành việc lập quỹ bảo trì nhà với lập luận nếu để người dân tự đứng ra sửa sang, tôn tạo chung cư sẽ trở nên nhếch nhác, không đồng bộ. Tuy vậy họ kiến nghị cần ban hành cơ chế giám sát chặt chẽ để người dân trực tiếp theo dõi. 

Ông Võ Đình Quốc, Giám đốc chuỗi siêu thị địa ốc ACB cho biết do không có kinh phí nên nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng, không được sửa sang. Phí quản lý nhà chung cư chủ yếu dùng để trả lương điều hành, bảo vệ, vệ sinh chứ không dùng để bảo trì tòa nhà.

Theo ông Quốc, số tiền 2% nhất thiết phải chia thành nhiều đợt để đóng. Trong điều kiện các tòa nhà chưa thành lập ban quản trị như hiện nay, công ty quản lý có thể giữ số tiền này nhưng giữa họ với người dân phải có hợp đồng cụ thể. Hợp đồng quy định rõ những hạng mục nào cần duy tu bảo dưỡng thường xuyên, những hạng mục nào hỏng thì được sửa chữa, người dân dựa theo đó để theo dõi.

Ông Trần Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng đưa ra mức phí bảo trì thống nhất trên toàn quốc nhưng Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn chi tiết hơn. Quan trọng nhất là đưa ra quy chế để dân có thể thực hiện giám sát thu chi của quỹ. Ông đề xuất gộp luôn phí bảo trì nhà vào phí quản lý và thu theo tháng. VN có thể học tập mô hình ở các nước quanh khu vực như Trung Quốc, Malaysia, chủ đầu tư tính phí quản lý dựa trên tổng chi phí vận hành hằng tháng chia cho tổng số mét vuông của những căn hộ ở khu chung cư, số tiền bảo trì tòa nhà được tính theo chu kỳ 5-10 năm cũng chia theo từng m2. Cách tính được thông báo tới từng cư dân và có hội nghị thống nhất trước khi quyết định. Mỗi năm, một lần ban quản lý công khai thu chi của quỹ.

Phong Lan

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu