Dự kiến ngày 10-8, dự thảo nghị định về cấp một giấy cho nhà đất sẽ được trình lên Chính phủ.
Hiện các tỉnh, thành đang rất trông chờ văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến xây dựng cơ bản (có hiệu lực từ ngày 1-8) về cấp một giấy chung cho nhà đất được ban hành. Nhiều hồ sơ hợp thức hóa nhà đất của người dân nộp cho cơ quan chức năng đang phải ách lại vì chờ một giấy mới.
Ngày 8-8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: “Dự thảo thông tư hướng dẫn cấp một giấy cho nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất vừa được Bộ TN&MT hoàn tất. Dự thảo đã gửi lấy ý kiến các địa phương”. Theo ông Hiển, dự kiến ngày 10-8, dự thảo nghị định về cấp một giấy cho nhà đất và các tài sản khác gắn liền với đất sẽ được Bộ TN&MT trình Chính phủ. Khi nghị định này được ban hành và có hiệu lực, thông tư hướng dẫn cũng sẽ ra đời và có hiệu lực đồng thời với nghị định để sớm áp dụng vào cuộc sống.
Có cả mã vạch
Theo thông tư trên, mã vạch được in hoặc dán tại cuối trang bốn của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận mới) sau khi được cơ quan có thẩm quyền ký cấp. Nội dung mã vạch thể hiện các thông tin sau:
- Mã số đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất cấp giấy chứng nhận mới (gồm có năm chữ số). Trường hợp cấp giấy chứng nhận mới cho phần đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính cấp xã thì ghi theo mã của xã có phần diện tích lớn nhất.
- Thời gian tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính có sáu chữ số gồm: Hai chữ số đầu là ngày, hai chữ số tiếp theo là tháng, hai chữ số sau cùng là số cuối của năm tiếp nhận hồ sơ.
- Số hồ sơ gốc (hồ sơ của thủ tục hành chính để cấp giấy chứng nhận mới lưu tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp thẩm quyền cấp giấy) gồm sáu chữ số do văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất xác lập.
Đất nhiều chủ: Mỗi chủ được cấp một giấy
Theo dự thảo thông tư trên, trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng thì trên giấy chứng nhận mới phải ghi tên của vợ lẫn chồng. Nếu vợ chồng cùng thống nhất chỉ ghi tên một người thì phải có văn bản thỏa thuận của hai người có chứng thực của UBND phường, xã hoặc chứng nhận của tổ chức công chứng.
Khi có nhiều người cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất thì giấy chứng nhận mới được cấp cho từng người sử dụng đất hoặc sở hữu tài sản.
Ghi đầy đủ các ràng buộc
Trường hợp có quy định về hạn chế đối với việc xây dựng nhà ở, công trình xây dựng, giấy chứng nhận mới sẽ ghi những ràng buộc đối với nhà ở và công trình đó. Ví dụ: “Diện tích xây dựng không được vượt quá 50 m2”; “từ vỉa hè vào 10 m chỉ được trồng cây mà không được xây dựng công trình”; “chiều cao xây dựng không được vượt quá 10 m”... Trường hợp có nhiều người được thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật đối với thửa đất nhưng khi cấp giấy chứng nhận mới vẫn chưa xác định được đầy đủ những người đó thì ghi rõ là “chưa phân chia thừa kế do chưa xác định hết những người được thừa kế”.
Việc xác nhận ghi nợ và xóa nợ nghĩa vụ tài chính thực hiện tại mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận”. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ghi ngày tháng năm và ký, đóng dấu vào cột “xác nhận của cơ quan có thẩm quyền”.
Chỉnh sửa, bổ sung rất dễ
Ngoài ra, việc xác nhận thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận mới như: Chủ của nhà, đất đổi tên; thế chấp nhà, đất; thay đổi công năng nhà ở; thay đổi diện tích do sạt lở tự nhiên; chuyển mục đích sử dụng đất... cũng được ghi nhận đầy đủ trong giấy chứng nhận mới. Trường hợp có điều chỉnh ranh giới, phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình mà diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình khác với diện tích đất đã thể hiện trên giấy chứng nhận thì nội dung thay đổi cũng được ghi nhận trên giấy này. Nếu cả thửa đất không còn thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì sẽ ghi “không còn thuộc hành lang bảo vệ an toàn”. Ngay cả khi có sự thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính, đính chính sai sót, nhầm lẫn... cũng được dự trù ghi bổ sung vào giấy chứng nhận mới. Các thông tin biến động đều phải được văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất xác nhận.
Trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất, sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trích đo địa chính thửa đất. Riêng thay đổi về diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, cấp nhà... thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý về nhà ở, công trình xây dựng liên quan phù hợp với quy hoạch xây dựng của nhà ở, công trình xây dựng trong trường hợp cần thiết.
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận mới
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc sở TN&MT: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, Việt kiều thực hiện dự án đầu tư.
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng TN&MT: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại phường. Riêng hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại xã, thị trấn nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận tại UBND xã, thị trấn để nơi đây thực hiện các công việc theo quy định và chuyển hồ sơ cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
Thời hạn cấp giấy mới: Tối đa 70 ngày
Thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận mới do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không quá 50 ngày (cấp giấy mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà có nhu cầu bổ sung xác nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất); không quá 30 ngày (cấp đổi giấy); không quá 40 ngày (cấp lại giấy chứng nhận bị mất, không kể thời gian công khai kết quả thẩm tra, thời gian người đề nghị cấp giấy chứng nhận thực hiện nghĩa vụ tài chính). Trường hợp phải trích đo địa chính thửa đất thì thời gian thực hiện thủ tục hành chính được tăng thêm nhưng không quá 20 ngày.
(Trích dự thảo nghị định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) |
(Theo PL TPHCM)