SearchNews

Mua nhà để dành

12/07/2007 10:09

Đất trồng cỏ hay sân thể thao tự phát là tình trạng dễ nhận ra nhất ở các khu dân cư ngoại thành TP HCM được xây lên nhằm giảm bớt áp lực cho nội thành. Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ khiến chẳng có cư dân nào đến ở.

Đất trồng cỏ hay sân thể thao tự phát là tình trạng dễ nhận ra nhất ở các khu dân cư ngoại thành TP HCM được xây lên nhằm giảm bớt áp lực cho nội thành. Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ khiến chẳng có cư dân nào đến ở.

Những dự án khu dân cư mới “buồn” nhất có lẽ nằm trong khu vực mà tương lai là trung tâm quận 9. Nếu đường Lê Văn Việt sầm uất với hàng quán, chợ búa thì tuyến đường Lã Xuân Oai chỉ toàn ruộng. Lâu lâu mới thấy một căn nhà, công ty nằm xen kẽ rặng cây, bụi dừa nước ven đường.

Ngay giữa khung cảnh tĩnh mịch này là dự án khu nhà ở Long Trường gồm 111 căn nhà phố, 43 căn biệt thự do công ty TNHH TP làm chủ đầu tư. Trên diện tích hơn 5 ha, đường giao thông nội bộ tráng nhựa phẳng lì, vỉa hè, cống thoát nước, hệ thống điện, nước, công viên… đầy đủ nhưng chỉ mọc lên 2 căn nhà thô. Chủ một quán ăn đối diện dự án cho biết, từ khi hoàn thành đến giờ chẳng thấy ai đến. Khu đất rộng chủ yếu để thanh niên đến đá bóng, hóng mát là chính.

Hàng loạt dự án gần đó cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Dọc theo tuyến đường Bưng Ông Thoàn, ít nhất 5 dự án đóng cửa để đó. Càng vào sâu, đất càng nhiều, những tấm bảng dự án cũng dày thêm và chi chít những đường gạch ống phân lô.

Đẹp nhất có lẽ là khu dự án của một trường đại học lớn của TP. Lối vào được xây cây cầu treo, đường nội bộ trải nhựa thẳng tắp, nhưng cả dự án duy nhất có vài biệt thự, người dân nói một trong hai căn đó là của chủ dự án. Đứng từ dự án này, nhìn ra xung quanh các dự án khác cũng không khác gì. Hệ thống hạ tầng, đường sá, công viên… cũng đã hoàn chỉnh nhưng chỉ có hơn chục căn nhà.

Mua nhà để dành

"Không cửa hàng, trường học, bệnh viện, 10 năm nữa may ra mới có người đến ở, bây giờ người ta mua chủ yếu là để dành thôi”, anh Đức, một người dân sống gần khu vực đình Gò Cát lâu năm, nhận xét. Theo anh, sẽ chẳng ai muốn về đây sinh sống, đơn giản vì giao thông không thuận tiện.

Đường Nguyễn Duy Trinh quá nhỏ, mật độ lưu thông chưa cao mà còn muốn kẹt xe, nói gì đến khi dân số tăng. Tuyến Bưng Ông Thoàn dẫn đến hàng loạt dự án nhưng cũng chỉ dừng lại ở cấp đường… làng, mặt đường rải đá dăm, còn chiều ngang vừa đủ chiếc xe bốn bánh đi qua.

Hệ thống dịch vụ coi như bằng không, hàng quán khó tìm, chỉ tập trung ở vài khu vực. Còn giải trí thì khỏi nói, chủ yếu là quán cà phê, dân ở đây lâu lắm rồi chẳng biết đến hình thức giải trí nào ngoài truyền hình. Chị Hường, chủ quán nước mía ven đường, kể: nước mía và nước dừa là thứ bán chạy nhất ở đây, cả ngày ráng lắm cũng chỉ bán được 50.000 đồng. Tiệm cá cảnh đối diện có ngày chỉ bán được hơn chục nghìn cá mồi. Tiệm Internet chỉ ở khu vực trung tâm phường mới có. Bệnh viện có tìm ra thì cũng dừng ở mức trạm xá cấp xã.

Thực trạng nói trên hầu hết đều nằm trong những dự án khu dân cư “vùng sâu vùng xa” của các quận nội thành. Mới đây, nhiều doanh nghiệp đã buộc người mua đất nền phải xây nhà ở. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, nếu không xây nhà thì nền đất sẽ bị thu hồi, nhưng theo nhiều doanh nghiệp thì việc thu hồi cũng gặp khó khăn không ít về mặt pháp lý.

(Theo SGTT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu