SearchNews

Người dân TPHCM khốn khổ vì đường thấp hơn nền nhà cả mét

07/04/2017 13:09

Ban quản lý Dự án đường Phạm Văn Đồng (TPHCM) dự báo sai cao độ đường nên khi đại lộ này hoàn thành, mặt đường thấp hơn rất nhiều so với dự kiến khiến nhiều nhà dân nâng nền mới bị hớ, cao “chênh vênh” cả mét, phải xây tam cấp. Tuy nhiên, mới đây họ nhận thông báo buộc tháo dỡ các bậc tam cấp nên không biết cách gì để “chui ra chui vào” nhà.

đường thấp hơn nền nhà
Nhiều căn nhà trên đường Phạm Văn Đồng (TPHCM) có nền nhà cao
chênh vênh so với lề đường.

Nhà cao như “núi”

Ghi nhận của PV ngày 6/4, đường Phạm Văn Đồng là tuyến giao thông huyết mạch kết nối từ quốc lộ 1A vào sân bay Tân Sơn Nhất… Tuy nhiên, việc xây dựng tràn lan các công trình phụ, kèm theo quy hoạch không đồng bộ khiến nhà dân đoạn thì như nằm dưới vực, đoạn thì nằm “trên đồi”, chênh lệch so với mặt đường từ 0,6 đến hơn 1m. Nhiều nhà dân phải xây dựng bậc tam cấp kết nối từ nền nhà xuống vỉa hè để làm lối đi.

Trong đó, đoạn từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) đến giao lộ Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), hàng loạt nhà dân san sát nhau xây bậc tam cấp chiếm 2/3 vỉa hè khiến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường. Chính quyền địa phương ra thông báo tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng nhiều hộ dân lực bất tòng tâm và cho biết, họ không còn cách nào khác bởi cốt nền nhà đã được xây dựng từ trước khi có đường Phạm Văn Đồng. Khi tuyến đường này được thi công, những nơi có cốt nền thấp thì được đôn lên, nơi có cốt nền cao thì hạ xuống. Vì vậy, có nơi nhà dân thấp hơn mặt đường nơi thì nền nhà cao hơn mặt đường.

“Không biết ngày trước quy hoạch kiểu gì, giờ làm đường thì nhà cao chênh vênh như núi thế này. Nhà nào thấp hơn đường còn nâng nền được chứ nhà cao hơn đường thì làm sao hạ được, móng nhà đã cố định rồi, giờ muốn hạ cũng không được nên phải làm tam cấp lên xuống chứ không thì bay lên à”, ông Nguyễn Xuân V. (ngụ quận Gò Vấp) nói.

Ông V. cho biết thêm, thời điểm xây nhà, ông được ban quản lý dự án đường Phạm Văn Đồng cho số liệu khuyến cáo nên ông V. xây nền nhà cao hơn độ cao mặt đường đã được khuyến cáo là 0,6m. Tuy nhiên, oái oăm là khi con đường hoàn thành, độ cao mặt đường lại hạ thấp rất nhiều so với khuyến cáo ban đầu. Vì thế, nền nhà ông V. cao hơn mặt đường gần 1m.

Tương tự, bà Lê Thị B. (56 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, đường Phạm Văn Đồng thi công xong thì nhà bà bỗng nhiên như nằm trên đồi. Trong khi xung quanh không có lối đi, diện tích nhà thì quá hẹp nên không thể làm tam cấp lấn vào bên trong nhà được. Vì vậy, gia đình bà phải xây tam cấp và bắc cầu thang sắt xuống vỉa hè để lấy lối đi.

“Chẳng ai muốn xây cái tam cấp chình ình trước nhà làm gì. Nhưng giờ không xây thì làm sao lên nhà được. Đây không phải lỗi của người dân mà do người ta làm đường mới quá thấp. Có tam cấp, cầu thang mà nhiều hôm dắt xe máy lên nhà tôi còn ngã trầy cả mặt, nếu không có thì làm sao lên nhà được”, bà B. nói.

Cùng tình cảnh nền nhà cao hơn mặt đường gần 1,2m, ông Nguyễn Tiến H. (phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, nếu chính quyền buộc tháo dỡ thì mình cũng chấp hành vì cái chung của thành phố nhưng phải tính làm sao để người dân đi lại thuận tiện. Nhà nào có nền thấp hơn mặt đường còn có thể nâng lên, chứ nền nhà cao thì không thể hạ xuống. Chỉ mong chính quyền xem xét nơi nào có vỉa hè rộng rãi thì cho người dân làm bậc tam cấp thu gọn”, ông H. nêu ý kiến.

đường thấp hơn nhà

Đang khảo sát

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, trên đường Phạm Văn Đồng, cao độ nền các công trình hai bên đường phụ thuộc cao độ đường, nên cơ quan cấp phép xây dựng phải được thông báo (hoặc phải tìm hiểu) về cao độ đường ngay khi cắm mốc công trình. Nếu người dân thực hiện xin phép xây dựng mà chính quyền không cung cấp thông tin về cao độ nền, hay thông tin sai thì lỗi thuộc về người có trách nhiệm cung cấp thông tin hay cấp giấy phép xây dựng.

Theo Tiến sĩ Cương, để không đẩy cái khó cho người dân, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm xét duyệt về cao độ nền các công trình.

Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề người dân phản ánh như trên, ông Võ Minh Trí, Chủ tịch UBND phường 3 (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, trên địa bàn, ngoài đường Phạm Văn Đồng có độ chênh giữa nền nhà dân và lề đường còn có một số tuyến cũng rơi vào tình trạng trên như Nguyễn Thái Sơn, Phạm Ngũ Lão,... Người dân ở những nơi này xây bậc tam cấp để có lối lên nhà. Vừa qua UBND phường đã có thông báo vận động người dân tự tháo dỡ các bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè theo chủ trương chung của quận.

“Trước đây sau khi giải tỏa, giao mặt bằng thực hiện dự án đường Phạm Văn Đồng, Ban quản lý dự án đưa ra cao độ nền tương lai cao hơn mặt đường hiện hữu. Tuy nhiên, sau đó họ làm mặt đường thấp hơn cao độ dự kiến. Điều này dẫn đến việc người dân xây dựng nền nhà mới có độ chênh cao hơn lề đường rất nhiều”- ông Trí thừa nhận.

Theo ông Trí sau khi dân phản ánh, UBND phường đã có văn bản xin ý kiến của quận Gò Vấp để có giải pháp xử lý hợp lý cho người dân. “Quận cũng đã cử đoàn khảo sát xuống nhà người dân có độ cao chênh so với lề đường để tìm hiểu, những trường hợp nào xem xét thấy cần thiết để lại bậc tam cấp thì sẽ giải quyết”, ông Võ Minh Trí cho biết.

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, trên đường Phạm Văn Đồng, cao độ nền các công trình hai bên đường phụ thuộc cao độ đường, nên cơ quan cấp phép xây dựng phải được thông báo (hoặc phải tìm hiểu) về cao độ đường ngay khi cắm mốc công trình. Nếu người dân thực hiện xin phép xây dựng mà chính quyền không cung cấp thông tin về cao độ nền, hay thông tin sai thì lỗi thuộc về người có trách nhiệm cung cấp thông tin hay cấp giấy phép xây dựng.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu