Tại một dự án nhà ở xã hội ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chủ một căn hộ cho biết, họ đã mua sang tay từ người chủ trước chứ không mua trực tiếp từ chủ đầu tư.
Tại đây, nhiều căn hộ khác cũng đang được rao bán trên mạng. Thậm chí, có những mẩu tin giới thiệu chủ nhà còn nợ ngân hàng 450 triệu từ gói vay ưu đãi 30.000 tỉ đồng và sẵn sàn chuyển gói vay sang người mua mới.
Vậy là không chỉ bán nhà, mà người bán còn sẵn sàng bán cả khoản nợ đang vay ngân hàng cho người mua. Theo môi giới giải thích, hàng tháng, người mua sẽ đến ngân hàng trả nợ theo tên của người chủ cũ. Các giao dịch này không có công chứng, không có xác nhận của chủ đầu tư. Việc làm chứng của văn phòng luật sư cũng không có giá trị pháp lý.
Khi biết thông tin về các giao dịch trên, đại diện chủ đầu tư cho biết, họ không liên quan tới các giao dịch này. Các chủ đầu tư đánh giá rằng, người bán thường lấy lòng tin bằng cách nói có quan hệ với chủ đầu tư để có thể hợp pháp hóa các giao dịch nhưng họ vẫn khẳng định chắc chắn rằng không thể thực hiện được.
Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết, hiện đã có 40 - 50 trường hợp nghi vấn mua đi bán lại tại dự án này đang được điều tra. Các chuyên gia nhận định, dù giao dịch chưa bị phát giác nhưng người mua đã đứng trước nhiều rủi ro.
Luật hiện nay không cho phép nhà ở xã hội được chuyển nhượng trong 5 năm đầu. Nếu bị phát hiện, chủ nhà có thể bị tịch thu căn hộ trả lại cho chủ đầu tư và bị phạt tiền. Bởi vậy, những người đã trót mua các căn hộ này chẳng khác gì đang nắm dao đằng lưỡi.
Để rõ hơn về vấn đề này, xin mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây: