SearchNews

Nhà chung cư: Không nên quy định cụ thể thời hạn sử dụng

12/08/2014 16:01

Sáng 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận một số vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Quy định các nguyên tắc cơ bản xác định thời hạn sử dụng chung cư

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư nêu trong dự thảo Luật, nhưng đề nghị cần quy định ngay trong dự thảo Luật thời hạn sử dụng loại nhà ở này và có cơ chế giải quyết sau khi phá dỡ nhà chung cư hết thời hạn sử dụng để đảm bảo quyền lợi của các chủ sở hữu.

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, nhà chung cư có đặc thù riêng, liên quan đến sự an toàn của nhiều người, có tác động lớn đến kiến trúc, cảnh quan đô thị, vì vậy cần thiết phải có quy định về thời hạn sử dụng để bảo đảm an toàn cho người dân và làm cơ sở pháp lý để các địa phương và các chủ sở hữu thực hiện phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại khi các nhà chung cư này bị xuống cấp, có nguy cơ sập đổ.

Theo quy định của pháp luật về xây dựng thì mỗi nhà chung cư có niên hạn sử dụng khác nhau, căn cứ vào cấp công trình của nhà chung cư đó. Mặt khác, không phải mọi trường hợp nhà chung cư khi hết niên hạn sử dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng nêu trên là sẽ hết thời hạn được phép sử dụng mà sau niên hạn này cơ quan chức năng phải tổ chức kiểm định lại chất lượng nhà chung cư đó để quyết định thời hạn được sử dụng tiếp. Tùy thuộc vào chất lượng của từng loại nhà chung cư mà việc quyết định thời hạn được sử dụng tiếp sẽ dài, ngắn khác nhau.

Thời hạn sử dụng nhà chung cư
Không nên quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư

Ngoài ra, cũng có trường hợp thời hạn sử dụng nhà chung cư ngắn hơn niên hạn sử dụng của nhà chung cư đó theo quy định của pháp luật xây dựng, bởi vì do tác động của thiên tai (như bão, lũ hoặc động đất…) làm cho nhà chung cư này bị hư hỏng, có nguy cơ sập đổ trước khi hết niên hạn.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, không cần thiết phải quy định cụ thể thời hạn sử dụng nhà chung cư mà chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản để xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư và giao Chính phủ tiếp tục quy định cụ thể về nội dung này để bảo đảm tính khả thi.

Tiếp tục thực hiện nhà ở công vụ như Luật nhà ở hiện hành

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng nên có quy định chung về nhà công vụ và cần có sự quản lý thống nhất, không để mỗi nơi một kiểu. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước lưu ý, quy định về nhà công vụ như hiện hành đã quá lạc hậu, do vậy cần thiết phải thay đổi.

Một số đại biểu khác lại đề nghị chỉ đầu tư xây dựng nhà công vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, còn đối với cán bộ khi được điều động, luân chuyển đến các thành phố lớn thì đưa chế độ nhà ở công vụ vào tiền lương nhằm tránh lãng phí, dàn trải. Ngoài ra, chế độ nhà ở công vụ nên áp dụng với tất cả các đối tượng thực hiện công vụ.

Ở khía cạnh khác, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tán thành quy định nhà ở công vụ dành cho đối tượng là cán bộ luân chuyển công tác. Nhưng quan trọng là giá nhà công vụ phải phù hợp, có sự bình đẳng. Cần có công thức chung, tránh mỗi nơi, mỗi cơ quan quy định một giá khác nhau.

Trước thông tin trên, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: "Trong điều kiện hiện nay chưa thể áp dụng chế độ nhà công vụ cho tất cả đối tượng cán bộ, công chức đang thực hiện công vụ, đồng thời việc đưa tiền thuê nhà ở công vụ vào tiền lương là phá vỡ mặt bằng chung về chế độ tiền lương và khó khả thi. Do đó, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật nhà ở hiện hành và được bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật".

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu