Chỉ cần nghe đến 3 chữ “tái định cư” là mọi người đều nghĩ ngay đến những ngôi nhà nhìn bề ngoài có vẻ bề thế nhưng bên trong là những mảng tường bong tróc, bị cúp điện, cắt nước hoặc những hàng quán la liệt trên các tầng.
Chỉ cần nghe đến 3 chữ “tái định cư” là mọi người đều nghĩ ngay đến những ngôi nhà nhìn bề ngoài có vẻ bề thế nhưng bên trong là những mảng tường bong tróc, bị cúp điện, cắt nước hoặc những hàng quán la liệt trên các tầng.
Nhà tái định cư Hà Nội: "3 không - 4 nát"
Thực tế cho thấy rất nhiều khu nhà tái định cư mới đưa vào sử dụng nhưng đã bị xuống cấp nghiêm trọng Không ít người đã tả bức tranh nhà tái định cư của Hà Nội hiện nay là "3 không, 4 nát": không đường giao thông, không điện, không nước sạch; trần nát, tường nát, thoát nước nát, cửa nát và không đảm bảo an ninh.
Có thể nhận thấy hầu hết các khu nhà tái định cư hiện nay ở Hà Nội đều chung tình trạng lún nứt, xuống cấp ngay từ giai đoạn đầu sử dụng. Mức đầu tư thấp, chạy đua tiến độ do sức ép giải phóng mặt bằng của thành phố chính là căn nguyên khiến cho các nhà chung cư tái định cư ở Hà Nội lâm vào tình trạng trên.
Với cảnh tượng tòa nhà nứt toác, tường ẩm mốc, điện chiếu sáng công cộng không có từ vài năm nay khiến nghiện hút tụ tập gây mất an toàn cuộc sống... những người dân đang sinh sống tại các khu tái định cư (TĐC) ở Hà Nội cảm thấy hụt hẫng.
Nằm trên diện tích 10,3ha gồm 9 tòa nhà cao tầng với 680 căn hộ, là quỹ nhà TĐC phục vụ công tác GPMB dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I và II, những người dân ở khu TĐC Đồng Tàu ở Thịnh Liệt (Hoàng Mai) vẫn phải đối mặt, sống chung với các hạng mục hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Điều đáng nói, nhiều năm nay người dân đã có vài lần làm đơn kiến nghị đến các cơ quan quản lý và cơ quan chức năng nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Toàn bộ khu nhà N1, N2, N5, N9, N10 của khu TĐC... đã rêu mốc, tường ẩm ướt, gạch nền tầng để xe thì sụt lún, móng tầng 1 nứt toác, biến dạng hở cả đường ống thoát nước ngầm. Ông Trần Văn Sáu - Tổ trưởng tổ 30B bức xúc: “Người dân chuyển về tòa nhà N2 sinh sống sớm nhất là từ năm 2006, những tòa khác cũng đến dần từ năm 2007, nhưng đến nay hệ thống hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Hiện vẫn còn tới 86 hố ga không có nắp đậy gây mất vệ sinh và an toàn cho người dân, nhất là trẻ nhỏ khi đi lại trong khu. Nền nhà sụt lún, nứt toác gây bẹp, gãy ống thoát nước..."
Đặc biệt, ông Sáu còn cho biết, thang máy tại tòa N10 đã hỏng một chiếc tới nửa năm nay khiến việc đi lại của người dân rất mất thời gian vì chỉ còn một chiếc, thế nhưng dù đã báo cáo lên đơn vị quản lý nhưng chẳng thấy được sửa chữa.
Bên cạnh đó, người dân còn bức xúc khi hệ thống cấp nước sạch cho các tòa nhà của khu lắp đặt không đúng quy trình kỹ thuật, chỉ có duy nhất một đường ống dẫn nước bơm lên bể chứa và đi thẳng vào các căn hộ. Do đó, khi máy bơm nước hoạt động áp lực nước lớn đã phá vỡ làm hư hỏng nhiều thiết bị như vòi tắm, bình nóng lạnh... của dân.
Cũng cám cảnh không kém, chị Nguyễn Thị Tú đang sống ở tòa N14, khu TĐC Dịch Vọng (Cầu Giấy) cảm thấy chán ngán khi trần nhà bị thấm dột, ẩm mốc từ lâu nhưng khi báo cáo tới ban quản lý thì lại được chỉ dẫn tự xử lý với nhà tầng trên.
"Lúc mới nhận nhà, chúng tôi phải tự sơn sửa, quét vôi lại; cửa ra vào chất lượng rất kém, chưa dùng được lâu đã bị mối mọt... Chất lượng TĐC cứ như thế này thì mỗi khi Nhà nước có dự án cần giải phóng mặt bằng và di dân thì người dân sợ và không muốn nhận nhà TĐC là có cơ sở", chị Tú cho hay.
Trộm cắp, nghiện hút rình rập
Không chỉ khốn khổ trong ngôi nhà dột nát mà người dân khu tái định cư còn nơm nớp trước mối đe dọa của trộm cướp. Do đường sá chưa được làm đã biến các khu tái định cư thành ốc đảo, vắng người qua lại, cộng thêm không có bảo vệ và hậu quả là những đối tượng nghiện hút thường vào đây xin đểu, trộm cắp.
Ông Sáu cho biết: “Năm ngoái, TĐC Đồng Tàu chúng tôi đã thường xuyên xảy ra nạn trộm cắp, đã vài chiếc xe máy cứ “không cánh mà bay” từ lúc nào chẳng hay".
Điều mà những cư dân ở Đồng Tàu còn đáng sợ hơn là từ khi về ở đến nay đã hơn 5 năm, hệ thống điện chiếu sáng công cộng từ tòa nhà N1 đến N5 của khu vẫn chưa một giây phút nào được thắp sáng. Điều này khiến việc đi lại của người dân rất mất an toàn khi trời tối, nhất là nhiều hố ga còn không có nắp đậy. Chính việc tối tăm không có điện chiếu sáng này đã biến sân chơi của khu thành nơi tụ tập nghiện hút, tiêm chích.
Kiến nghị kiểu đem con bỏ chợ
Nằm trong diện nhà cho cán bộ có thu nhập thấp nhà N06B2, Dịch Vọng do Công ty Phát triển nhà Từ Liêm (Lideco) xây dựng và quản lý đi vào hoạt động từ năm 2007, nhưng dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua nhiều hộ dân đã phải kêu trời vì hiện tượng bục đường nước, nước thấm vào nhà chảy lênh láng. Chị Trần Lệ Hà, ở P 904 cho biết: "nước thấm đến đâu hỏng sàn gỗ công nghiệp đến đấy nên gia đình tôi phải đến công ty mượn sơ đồ đường nước để sửa thì được nói là đã chuyển xuống Ban quản trị tòa nhà. Khi xuống Ban quản trị thì lại nói là không có. Đi đi lại lại như thế hai lần mà không mượn được nên nhiều gia đình chúng tôi chỉ còn cách tự khắc phục".
Kêu khổ mãi với Ban quản lý nhà Công ty Phát triển nhà Từ Liêm chẳng đặng gia đình chị Hà vất vả mãi mới thuê được tốp thợ nước đến chống lụt cho sàn nhà. Khi phá tường ra mới biết nguyên nhân không phải ở chất lượng ống dẫn nước mà ở mối nối sơ sài, mới dùng vài năm đã bục ra, gây rò rỉ nước. Chưa kể nhiều khung cửa mới dùng đã bị móp, méo không thể bảo đảm an toàn... Tất cả những vụ việc nêu trên bà con nhà N06B2 đã báo cho Lideco nhiều lần, vẫn không được quan tâm.
Đã nhiều năm qua, ông tổ trưởng dân phố Nguyễn Đăng Sáu vẫn khệ nệ ôm chồng đơn có gần nghìn chữ ký của người dân khu tái định cư Đồng Tàu gõ cửa khắp nơi khiếu nại về việc không có ai quản lý vườn hoa công cộng bị biến thành vườn rau, toàn bộ khu nhà chỉ có một hệ thống ống nước lên và xuống nên cái chuyện bị bục vỡ, ống nước chảy lênh láng ra nhà là thường xuyên...
Là chủ đầu tư dự án quan trọng của thành phố, Ban quản lý thoát nước giai đoạn 1 cũng kiêm luôn việc bố trí khu tái định cư Đồng Tàu cho các hộ dân khu vực cầu Mới, ngã tư Sở. Nhưng gần 10 năm qua trong khi bà con đã "an cư", Ban quản lý này như không tồn tại khi chẳng ngó ngàng gì đến sự sinh tồn của gần nghìn hộ dân. Bà con cũng đã phản ánh tình trạng xuống cấp đến quận Hoàng Mai nhưng cũng không nhận được sự quan tâm, trợ giúp bởi lý do chưa được bàn giao từ phía Ban quản lý.
Tình trạng "cha chung" nên đèn chiếu sáng, ghế đá theo năm tháng cũng bị trộm mất. Công viên cỏ rác, lau lách mọc lút đầu thành nơi nuôi muỗi và ủ mầm dịch. Và để tiêu diệt mầm dịch này, người dân đã có sáng kiến quây thành ô và làm hàng rào phên dậu trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày.
(Theo VLand)