Đây là nội dung dự thảo quy định về cấp giấy phép và quản lý xây dựng của Sở Xây dựng TP HCM. Dự thảo còn yêu cầu phải có giấy tờ hợp lệ về nhà, đất mới được cấp phép tạm. Công trình xây sai phép chưa thực hiện xử lý vi phạm sẽ không được điều chỉnh, bổ sung giấy phép xây dựng.
Dự thảo mới chi tiết thay thế quyết định 04 về việc cấp giấy phép xây dựng tạm chỉ áp dụng đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 hoặc tỷ lệ 1/500 đã được duyệt, công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện quy hoạch.
Quy mô công trình được phép xây dựng tạm là dạng bán kiên cố tối đa hai tầng (trệt, gác gỗ hay vật liệu lắp ghép, tường gạch, mái tôn). Chủ đầu tư phải có thêm giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Quy mô công trình tạm không quá 3 tầng, chiều cao không quá 12 m.
Khi có nhu cầu điều chỉnh thiết kế khác với giấy phép xây dựng đã được cấp, chủ đầu tư phải xin điều chỉnh trước khi thi công theo nội dung điều chỉnh. Cơ quan cấp giấy phép trước đó là cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về nội dung điều chỉnh. Không xem xét cho điều chỉnh, bổ sung giấy phép cho trường hợp chủ đầu tư đã tổ chức xây dựng công trình sai giấy phép khi chưa thực hiện xử lý vi phạm.
Góp ý cho dự thảo, Sở Tư pháp TP HCM nhận xét việc giao hoàn toàn trách nhiệm cho thanh tra xây dựng cấp phường kiểm tra hoạt động xây dựng của tất cả các chủ đầu tư trên địa bàn là chưa ổn. Khả năng của thanh tra xây dựng cấp phường sẽ không kham nổi việc kiểm tra những công trình do Sở Xây dựng hoặc UBND cấp quận cấp phép.
Theo Sở Xây dựng, hiện nay UBND TP đã ban hành quyết định thí điểm thành lập thanh tra cấp quận và cấp phường. Thanh tra cấp phường phải thanh tra, kiểm tra tất cả các chủ đầu đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn và xử lý vi phạm theo quy định (đình chỉ thi công, cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm...).
Dự thảo còn buộc khi từ chối nhận hồ sơ xin giấy phép xây dựng, người tiếp nhận phải trả lời, ghi rõ lý do từ chối. Khi thẩm tra nhà cao tầng, nhất là công trình có tầng hầm, cơ quan cấp phép phải khảo sát hiện trường, lập biên bản ghi nhận hiện trạng công trình lân cận.
Về quản lý theo giấy phép xây dựng, chủ đầu tư các công trình lớn như cao ốc phải có giấy chứng nhận sự phù hợp chất lượng công trình theo thông tư 11 năm 2005 của Bộ Xây dựng trước khi công trình đưa vào sử dụng. Trách nhiệm cụ thể của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đến hoạt động xây dựng cũng được liệt kê cụ thể trong dự thảo.
(Theo Pháp Luật TP HCM)