13 năm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, không gian đô thị của Đà Nẵng được mở rộng gấp 4 lần.
Thành phố khang trang, hiện đại hơn và đẹp hơn rất nhiều. Trong bức tranh tổng thể đa màu sắc đó, hạ tầng giao thông đóng một vai trò khá quan trọng, đặc biệt hệ thống cầu được xây dựng trên các sông không những rất đẹp và hiện đại, còn có rất nhiều cái nhất về kỹ thuật mà chưa một cây cầu nào ở Việt Nam được xây dựng cùng thời điểm có được.
Cầu Sông Hàn: Cầu quay duy nhất Việt Nam
Có thể nói đây là cây cầu có sứ mệnh “mở đường” để thành phố xây thêm những chiếc cầu độc đáo khác. Cầu là vạch nối liền hai trục đường chính của thành phố là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông. Cầu có chiều dài 487,7m, rộng 12,9m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33m, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê-tông cốt thép.
Đây là cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công, là một trong những công trình có quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật phức tạp, ứng dụng công nghệ xây dựng mới. Mặc dù vậy, tất cả các khâu từ thiết kế - thi công - xây dựng, quá trình vận hành đều đạt hiệu quả cao. Cầu Sông Hàn đã được công nhận là “Công trình chất lượng tiêu biểu 5 năm 2001-2005”. Cầu Sông Hàn là một trong những điểm tham quan hấp dẫn của du khách.
Cầu Cẩm Lệ: Cầu đúc hẫng đầu tiên ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên
Đây là cây cầu nằm ở vùng ven, nối quốc lộ 1A và quốc lộ 14B, được xây dựng từ năm 2001, thi công theo công nghệ đúc hẫng - một công nghệ tiên tiến trên thế giới, nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam.
Cầu có chiều dài 399m, rộng 14,5m với sơ đồ nhịp là: 42m+5x63m+42m= 399m. Mặt cắt ngang dạng hộp thành xiên với chiều cao thay đổi từ 1,8m đến 3,8m, độ xiên của thành hộp là 10/1. Để áp dụng công nghệ thi công đúc hẫng, đơn vị thi công đã chế tạo thành công thiết bị chính là xe đúc hẫng. Đây là công nghệ giải quyết cùng lúc nhiều bài toán về xây dựng cầu như mặt bằng thi công, giá thành, thời gian thi công và đặc biệt là tăng tuổi thọ kết cấu của công trình. Thời gian gần đây, rất nhiều cầu trên cả nước đã triển khai công nghệ đúc hẫng này.
Cầu Thuận Phước: Bộ sưu tập những cái nhất về công nghệ làm cầu ở Việt Nam
Khánh thành vào tháng 7-2009, với tổng kinh phí đầu tư gần một ngàn tỷ đồng, cầu Thuận Phước dài 1.855m, rộng 18m, là cầu dây võng dài nhất ở Việt Nam. Tổng thể cầu Thuận Phước gồm 2 phần: Phần cầu bê-tông dự ứng lực dài 1.200m, gồm 24 nhịp, dầm hộp BTCT dài 50m, được thi công bằng công nghệ đổ bê-tông tại chỗ trên giàn giáo cố định; phần cầu treo dây võng dài 655m, với kết cấu sơ đồ nhịp 125+405+125m. Cầu treo dây võng với kiến trúc độc đáo, áp dụng nhiều công nghệ thi công hiện đại lần đầu tiên ở Việt Nam gồm:
- Cáp chủ cáp treo: Bó cáp chủ gồm 2 bó bố trí cách nhau 19m theo phương ngang cầu, đường kính bó cáp ø360mm và chiều dài bó cáp mỗi bên khoảng 763m. Cáp treo gồm 114 dây treo bố trí cách nhau trung bình 9,9m, gồm 2 loại dây treo thông thường (ø65mm) và dây treo đặc biệt (ø101mm). Công nghệ thi công lắp đặt bó cáp chủ đòi hỏi sự chính xác rất cao.
- Dầm hộp thép: Loại dầm hộp thép đơn liên kết hàn, cấu tạo dạng khí động học, mặt cầu dạng bản trực hướng với tổng cộng 69 đốt dầm.
- Trụ tháp: Kết cấu tháp dạng khung hai cột bằng BTCT hình hộp. Chiều cao tháp tính từ đỉnh bệ cọc là 80m (chưa kể chiều cao kết cấu trang trí và chống sét). Cắt ngang cột tháp tại đỉnh là 3,5x3,5m, tại chân là 4,0x5,2m. Móng tháp phía Đông gồm 14 cọc khoan nhồi ø2,5m, sâu trung bình 50m. Móng tháp phía Tây gồm 8 cọc khoan nhồi đường kính 2,5m, sâu trung bình 60m (ngầm trong đá từ 2,5-5m). Ván khuôn dùng cho việc thi công tháp là ván khuôn trượt, gồm một hệ thống tự trượt ở ván khuôn trong và ván khuôn ngoài. Cọc khoan nhồi đường kính 2,5m là loại cọc khoan nhồi có đường kính lớn nhất Việt Nam hiện nay, do các thiết bị khoan trên thị trường Việt Nam chỉ phù hợp với cọc có đường kính nhỏ dưới 2,0m nên rất khó khăn trong thi công, vì vậy nhà thầu phải nhập thiết bị khoan đặc chủng của Hàn Quốc để sử dụng mới bảo đảm chất lượng và tiến độ thi công.
- Mố neo: Phần trên là hình hộp rỗng bằng BTCT, kích thước 34,5x31,0m, giếng chìm vỏ thép và BTCT hình hộp rỗng, kích thước 36x30m chiều sâu từ 35,1 - 37,6m, chia làm 16 ngăn đổ cát sỏi bên trong làm đối trọng. Đây là móng giếng chìm có kích thước rất lớn được thi công theo phương pháp xói hạ qua tầng sét, nằm ở độ sâu - 35m dưới mực nước biển. Kết cấu bê-tông khối neo thuộc kết cấu bê-tông khối lớn, do đó phải có biện pháp giảm thiểu tỏa nhiệt do quá trình thủy hóa xi-măng như: sử dụng xi-măng có nhiệt lượng thấp, bố trí ống làm lạnh tại mỗi lớp đổ bê-tông để khống chế nhiệt độ của bê-tông (sử dụng nitơ lỏng để làm lạnh).
- Lớp phủ mặt cầu: Mặt cầu thép được cấu tạo theo dạng bản trực hướng (Orthotropic), đây là cây cầu treo dây võng có nhịp thép là dầm hộp trực hướng đầu tiên ở Việt Nam nên việc thiết kế và lựa chọn vật liệu và công nghệ thi công của lớp phủ mặt cầu khá mới và phức tạp, không những ở Việt Nam mà cả ở các nước phát triển. Qua kết quả thí nghiệm các chỉ tiêu và nghiên cứu các lớp phủ mặt cầu thép ở các công trình tương tự trên thế giới, nhận thấy: vật liệu nhựa đường Epoxy làm lớp dính bám/chống thấm và bê-tông nhựa Epoxy đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tốt hơn các loại vật liệu khác và phù hợp với mặt cầu Thuận Phước. Nhựa Epoxy đã được sử dụng ở Mỹ và gần đây là ở Trung Quốc và một số nước ở châu Á, đây là loại vật liệu mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.
Trong quá trình triển khai thi công các hạng mục công trình đều gặp những khó khăn, phức tạp trong khâu kỹ thuật và giải pháp thi công, tuy nhiên với sự nỗ lực không ngừng của các ngành, các cấp cùng với sự cố gắng, sáng tạo của tập thể các chuyên gia, kỹ sư và công nhân xây dựng, đã tập trung thi công hoàn thành công trình theo đúng thiết kế, đạt chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân thành phố.
Cầu Rồng (đang trong quá trình thi công): Bước đột phá về thiết kế mỹ thuật
Cầu có hình dáng con rồng đang lượn trên mặt sông Hàn và hướng ra biển Đông. Cầu Rồng được khởi công xây dựng tháng 7-2009 và dự kiến hoàn thành năm 2013, với tổng kinh phí đầu tư 1.498 tỷ đồng.
Cầu dài 666m, rộng 37,5m với kết cấu nhịp chính gồm 5 nhịp liên tục dài 592m dạng vòm ống thép có khẩu độ từ 90-160m. Thiết kế của cầu Rồng đã được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý (chuẩn bị khởi công xây dựng): Cầu đầu tiên của Việt Nam có sàn vọng cảnh
Đây là cầu dây văng một mặt phẳng, với kết cấu dây và tháp nghiêng đầu tiên ở Việt Nam. Cầu có chiều dài 680,5m, rộng 30,5m, điểm nhấn độc đáo của cầu và cũng là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam chính là giữa cầu có tháp trụ hình chữ Y ngược cao 149m so với mặt sông. Bên trong tháp trụ chính này được thiết kế hệ thống thang máy để đưa du khách lên đỉnh tháp ngắm toàn cảnh thành phố Đà Nẵng.
Dòng sông Hàn thơ mộng, ngày càng như xích lại gần nhau hơn vì sự xuất hiện của những chiếc cầu tạo nên điểm nhấn ấn tượng. Mỗi chiếc cầu là một công trình nghệ thuật, với những kiến trúc đa dạng và độc đáo. Đặc biệt hơn, hầu hết những công nghệ này đều là lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi đội ngũ công nhân xây dựng cầu, đội ngũ quản lý phải không ngừng nghiên cứu, dám nghĩ dám làm, để áp dụng những công nghệ thi công hiện đại nhất vào các công trình.
Có thể nói, đội ngũ các nhà khoa học, quản lý của thành phố Đà Nẵng là lực lượng tiên phong đột phá để tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại với tinh thần “Biến cái không thể thành cái có thể”. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân một chuyến về thăm và làm việc tại Đà Nẵng đã đánh giá “...Đà Nẵng với những thay đổi rất đáng khâm phục. Những con đường mới khang trang, những cây cầu mới hiện đại, tiêu biểu cho một sức sống mãnh liệt của người dân Đà Nẵng. Đà Nẵng ngày càng văn minh, giàu đẹp”...
(Theo báo Đà Nẵng)