Đại lộ Thăng Long, bảo tàng Hà Nội, con đường gốm sứ, công viên Hòa Bình, cầu Vĩnh Tuy... là những công trình trọng điểm, mang dấu ấn nghìn năm.
Đại lộ Thăng Long xuất phát từ ngã tư đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến -Trần Duy Hưng, đi qua địa huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất và đến ngã tư giao với quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh. Với chiều dài gần 30 km, chiều rộng tuyến là 140 mét (gồm hai dải đường cao tốc 6 làn xe, hai dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới…), 51 cầu vượt, đây là tuyến đường cao tốc dài và hiện đại nhất Việt Nam.
Bảo tàng Hà Nội nằm trên đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm, với tổng vốn đầu tư lên tới 2.300 tỷ đồng. Tổng diện tích khuôn viên của Bảo tàng là 53.963m2, trong đó diện tích đất xây dựng công trình khoảng 11.925m2, Bảo tàng Hà Nội được thiết kế giống một kim tự tháp ngược, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm, kết cấu cứng dựa trên 4 cụm thang, trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất và diện tích các tầng dưới nhỏ dần.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng tạo một điểm nhấn đặc biệt dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long. Công trình dài gần 4km và tổng diện tích lên đến gần 7.000m2, với 21 trường đoạn tranh gốm tái hiện dòng chảy lịch sử Việt Nam.
Công trình công viên Hòa Bình, xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội, được khởi công ngày 20/2/2009, với tổng mức đầu tư 282 tỷ đồng. Công viên có diện tích 20,3431ha, gồm các hạng mục chính: Tượng đài Hòa Bình, Hồ điều hòa rộng 5,54ha; Phần hạ tầng kỹ thuật, giao thông như: san nền, kè hồ, cây xanh, thảm cỏ, sân, đường đồng bộ với hệ thống chiếu sáng, cấp điện, nước…
Tượng đài Thánh Gióng có chiều cao tới đỉnh là 14,02m, đường cong của tượng là 20m, mô phỏng hình ảnh vị Thánh trẻ tuổi tay mang tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất theo phương pháp thủ công, tổng trọng lượng khoảng 85 tấn và chia làm 5 thớt để đúc.
Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất, có chiều cao 5,43m, nặng khoảng 20 tấn bằng chất liệu đồng hợp kim. Công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm sâu đậm, sự tri ân, sự tôn vinh của nhân dân cả nước đối với Bác Hồ, Bác Tôn, thể hiện tấm lòng ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long của nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Cầu Vĩnh Tuy là một trong 7 cây cầu vượt sông Hồng trên địa bàn Hà Nội, nằm trên tuyến đường vành đai 2, được khởi công từ năm 2005, kinh phí đầu tư gần 3.600 tỷ đồng. Đây là công trình lớn đầu tiên do Hà Nội tự thực hiện quản lý, thi công, toàn bộ vốn là của nội lực nghành cầu đường Việt Nam.
Rạp Đại Nam có quy mô năm tầng nổi và hai tầng hầm, trong đó phòng biểu diễn đa năng 409 chỗ, khu dịch vụ đa năng, sảnh đón tiếp kết hợp trưng bày, triển lãm, khu kỹ thuật phụ trợ. Rạp đi vào hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện quy hoạch kiến trúc trung tâm thành phố, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân Thủ đô.
Tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài có chiều dài 2,67km, mặt cắt ngang đường 40m, bao gồm 6 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 60km/h, loại mặt đường cấp cao A1, vỉa hè rộng 10m, các hạng mục kỹ thuật được đầu tư đồng bộ theo tiêu chuẩn. Tổng mức đầu tư của Dự án là 700 tỷ đồng.
Chợ Hàng Da được xây dựng trên diện tích 3.367 m2, có 4 tầng nổi, 1 tầng kỹ thuật, 2 tầng hầm và có tổng mức đầu tư 249 tỷ đồng. Đây là chợ loại I của Hà Nội, là công trình phục vụ kinh doanh thương mại và dịch vụ, tạo không gian phục vụ dịch vụ văn hóa, tạo nếp sinh hoạt thương mại, dịch vụ văn minh hiện đại, góp phần thực hiện chủ trương quy hoạch hệ thống chợ tại thủ đô.
Công Học - Duy Khánh