SearchNews

Phá dỡ nhà chuyên nghiệp

19/10/2007 08:40

Khi đô thị phát triển nhanh để nhường chỗ cho nhiều tòa nhà hiện đại, hàng loạt nhà cũ nát, xuống cấp sẽ được phá đi. Và phá dỡ nhà trở thành nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp.

Khi đô thị phát triển nhanh để nhường chỗ cho nhiều tòa nhà hiện đại, hàng loạt nhà cũ nát, xuống cấp sẽ được phá đi. Và phá dỡ nhà trở thành nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp khi vào lĩnh vực này khẳng định “để phá dỡ một công trình nhanh chóng, an toàn, quả là không dễ”. Theo Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng Phương Bắc, Nguyễn Văn Huấn, nhiều người vẫn nghĩ đơn giản, xây nhà thì khó chứ phá thì ai chẳng làm được. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Thậm chí, xây khó một, thì khi phá khó mười. Trên thế giới công nghệ, phương pháp kỹ thuật phá dỡ công trình cũ có nhiều nhưng không phải cứ thế mà áp dụng ở nước ta, nhất là đô thị như Hà Nội, nhà cửa san sát, đan xen vào nhau.

Công trình “nhà nghiêng” P3 Phương Liệt, vốn trong tình trạng nguy hiểm, sập bất cứ lúc nào. Cư dân sống trong “nhà nghiêng” phải di chuyển khẩn cấp. Hơn nữa, xung quanh tòa nhà này là hàng loạt nhà chung cư khác, vì thế khi phá dỡ nó, an toàn cho cả lực lượng phá dỡ lẫn cư dân xung quanh là cả vấn đề. Để tháo dỡ nhà P3, Công ty Phương Bắc phải đưa phương tiện vào tháo dỡ từng phần. Chỗ nào có thể ảnh hưởng công trình xung quanh phải lập giàn giáo chống đỡ, che chắn cẩn thận, đòi hỏi sự chính xác, chắc chắn ở mức cao nhất.

Cũng liên quan đến kỹ thuật phá dỡ, ông Huấn cho biết, mỗi công trình tùy theo kết cấu, đặc điểm mặt bằng khác nhau mà có phương án phá dỡ khác nhau. Phương án của “nhà nghiêng” P3 Phương Liệt không thể áp dụng cho công trình khu liên cơ Vân Hồ hay tòa nhà trụ sở của Công ty cổ phần Điện máy miền Bắc tại số 6 đường Điện Biên Phủ (quận Hoàn Kiếm) mặc dù phương tiện có thể giống nhau.

Tại công trình số 6 đường Điện Biên Phủ, việc phá vỡ diễn ra rất phức tạp. Một chiếc cẩu lớn vươn hai gọng kìm khổng lồ lên tận tầng 4, “bẻ” từng mảng bê tông cốt thép. Cùng lúc một vòi phun nước tưới ướt đẫm mảng bê tông đang được “bẻ” để ngăn bụi. Giám đốc Công ty Phương Bắc, Đàm Văn Long, cho biết, toàn bộ thiết bị phá dỡ chuyên dụng được Công ty mua ở nước ngoài. Và điều quan trọng hơn là lực lượng lao động của Công ty đã được đào tạo kỹ thuật một cách chuyên nghiệp, sao cho khối bê tông đang được phá dỡ kia không ảnh hưởng đến công trình lân cận, cũng như bảo đảm an toàn cho công nhân vận hành. Mặc dù phức tạp do mặt bằng chật hẹp, lại tiếp giáp với nhiều công trình và tuyến đường lớn, song trong thời gian ngắn Công ty đã phá dỡ xong khối nhà 2 tầng, 3 tầng và đang phá dỡ khối nhà 4 tầng, với tổng diện tích sàn gần 4.000 m2.

Khi Hà Nội triển khai hàng loạt các dự án phá dỡ nhà chung cư cũ để xây dựng lại, chắc chắn công việc phá dỡ sẽ rất cần tới những doanh nghiệp doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu trong lĩnh vực phá dỡ công trình để từ đó hình thành một đội ngũ những đơn vị chuyên nghiệp. Có như vậy mới bảo đảm được các yêu cầu về hiệu quả kinh tế, về tiến độ thực hiện, nhất là vấn đề an toàn. Đó không chỉ là mối quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước mà cả từ phía người dân ở các chung cư cũ của Hà Nội.

(Theo Hà Nội Mới)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu