Trong định hướng không gian đô thị Hà Nội đến 2030, sẽ gồm đô thị trung tâm và 5 đô thị trung tâm là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên-Phú Minh và Sóc Sơn để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế và tăng dân số.
Theo ý kiến của Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Kíến trúc quy hoạch nông thôn, Bộ Xây dựng, hiện nay trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội gặp khó khăn trong sự cân bằng giữa bảo tồn di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và nhu cầu phát triển đô thị.
Tuy nhiên, Hà Nội có đặc trưng riêng về tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên, nông nghiệp. Đây còn là nơi chứa đựng quỹ di sản văn hóa lịch sử phát triển đô thị và nền văn minh nông nghiệp của dân tộc. Vì vậy, vấn đề bảo tồn di sản văn hóa không thể lơ là. Nhất thiết phải bảo tồn khu đô thị lõi, khu vực này lưu giữ và mang đậm tính lịch sử như khu di tích trung tâm chính trị Ba Đình, di tích hoàng thành Thăng Long, một loạt lăng, tượng đài, bảo tàng, trụ sở, di tích lịch sử cách mạng.
Bảo tồn các khu phố cổ vì đây là di sản nhân chứng cho việc khởi đầu quá trình quy hoạch đô thị của Hà Nội, tạo nên mối giao thoa văn hóa Pháp - Việt. Bảo tồn phố cổ với 3 nội dung: cấu trúc đô thị được quy hoạch thời Pháp thuộc; bảo tồn trùng tu tôn tạo các công trình kiến trúc nhà ở và công trình công cộng có giá trị văn hóa; chỉnh trang không gian và cảnh quan đường phố, bảo tồn cấu trúc khu phố ô cờ, cây xanh cũng là đối tượng cần được lưu giữ.
Từ đó, cần quy định chiều cao công trình nằm 2 bên đường chỉ cao 5m, các công trình nằm phía sau cao dưới 10m. Xen giữa các công trình là cây xanh và lối đi bộ để tái hiện ý đồ quy hoạch của người Pháp khu phố như thành phố vườn. Các công trình cao tầng xây mới vẫn có thể tồn tại nhưng phải tuân thủ về chiều cao và diện tích đất.
Không thể tiếp tục phá dỡ các biệt thự để xây các khu chung cư mới. Bởi lẽ, khu trung tâm Thủ đô Hà Nội được Pháp quy hoạch cho thành phố vài chục vạn dân với quy mô các biệt thự nhỏ, nhà ống chật hẹp và không gian đường phố nét đặc trưng riêng cần được gìn giữ.
(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)