Phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố cấp quốc gia, văn minh, hiện đại, đô thị trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong; góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có tầm ảnh hưởng trong vùng Đông Nam Á.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Cần Thơ với diện tích đất khoảng 1.409 km2 (140.895 ha).
Theo đó, đến năm 2020 dân số thành phố Cần Thơ khoảng 1,5-1,6 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 1,1-1,2 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70% đến 75%.
Mô hình phát triển không gian đô thị theo chuỗi các khu đô thị tập trung, đa trung tâm trong vùng đô thị nội thành và các đô thị vệ tinh trung tâm huyện. Phát triển đô thị xanh và mặt nước, có không gian đô thị nén, đan xen với mặt nước và các dải cảnh quan xanh.
Về định hướng phát triển không gian đô thị, khu đô thị trung tâm gồm: Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều-Bình Thủy; khu đô thị công nghiệp Cái Răng; khu đô thị-công nghiệp Trà Nóc; khu đô thị sinh thái Phong Điền; khu đô thị mới Ô Môn; khu đô thị-công nghiệp Thốt Nốt; khu vực ngoại thành gồm: Thị trấn Cờ Đỏ; thị trấn Thới Lai; thị trấn Vĩnh Thạnh; thị trấn Thạnh An.
Trong đó, khu đô thị truyền thống Ninh Kiều-Bình Thủy là khu vực trung tâm lịch sử truyền thống, bố trí trung tâm chính trị-hành chính Thành phố; trung tâm tiếp vận về đường bộ, đường thủy và đường hàng không; trung tâm thể dục thể thao cấp thành phố và cấp vùng; trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng và cấp quốc gia; trung tâm y tế đa khoa, chuyên khoa cấp thành phố và cấp vùng; trung tâm thương mại, dịch vụ và tài chính cấp thành phố và cấp vùng. Các khu ở hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung.
Hình thành ba khu dịch vụ công cộng mới tại khu vực Sân bay quốc tế Cần Thơ, trục đường Nguyễn Văn Cừ và trục đường Võ Văn Kiệt. Phát triển các trung tâm giáo dục-đào tạo cấp vùng và quốc tế, trung tâm y tế đa khoa, chuyên khoa cấp vùng và cấp thành phố. Sông Hậu, sông Cần Thơ, rạch Cái Khế, sông Bình Thủy, tuyến công viên mới, vườn cây ăn trái tiếp giáp Phong Điền, khu du lịch sinh thái cồn Khương, tạo thành hệ khung cảnh quan chính trong khu đô thị.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc
Theo quyết định, về giao thông, sẽxây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc, gồm: Tuyến Thành phốHồ Chí Minh-Cần Thơ; tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; tuyếnCần Thơ-Cà Mau; tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua thành phốCần Thơ từ cầu mới qua sông Hậu).
Bên cạnh đó, cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ: 1A, 80, 91B, Nam sông Hậu; xây dựng mới cầu qua sông Hậu tại quận Thốt Nốt. Trong định hướng dài hạn, xây dựng mới cầu qua sông Hậu tại quận Ô Môn.
Đồng thời, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ và có các tuyến rẽ đi Long Xuyên và Cà Mau.
Theo Chinhphu.vn