Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.
Phạm vi lập quy hoạch vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (vùng TD&MNBB) gồm 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình và các huyện phía Tây hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, với tổng diện tích là 115.153,4 km2 chiếm 35% diện tích tự nhiên cả nước.
Đây là vùng kinh tế tổng hợp, trong đó kinh tế cửa khẩu, thủy điện, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp đa ngành, nông - lâm nghiệp, du lịch là chủ đạo. Đồng thời cũng là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, gắn bó lâu đời, có bản sắc văn hóa dân tộc phong phú.
Dự báo năm 2020 quy mô dân số toàn vùng khoảng 15,11 triệu người, dân số đô thị khoảng 5,195 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 34,4%. Đến năm 2030 quy mô dân số toàn vùng tăng lên khoảng 16,807 người, dân số đô thị khoảng 6,681 người, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 39,8%.
Định hướng phát triển không gian
Theo quy hoạch, Vùng biên giới Việt - Trung, gồm các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu là vùng bảo vệ sinh thái tự nhiên, nguồn nước, rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn; phát triển kinh tế tổng hợp, trong đó kinh tế cửa khẩu, công nghiệp khai khoáng là chủ đạo, phát triển du lịch văn hóa - lịch sử và sinh thái.
Vùng biên giới Việt - Lào, gồm tỉnh Điện Biên, Sơn La và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An sẽ phát triển lâm nghiệp, bảo vệ rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học; công nghiệp khai khoáng, thủy điện, chế biến nông lâm, vật liệu xây dựng; du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái và nghỉ dưỡng.
Vùng trung du gò đồi, gồm các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ và Hòa Bình là vùng trung gian kết nối khu vực phát triển ở đồng bằng với khu vực chậm phát triển ở miền núi. Tại đây sẽ hình thành các trung tâm kinh tế - đô thị, các khu cụm công nghiệp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để giảm tải cho Thủ đô Hà Nội; liên kết, hợp tác với các đô thị lớn trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng duyên hải Đông Bắc Bộ; chia sẻ và hỗ trợ phát triển với hệ thống đô thị nông thôn 2 vùng biên giới Việt - Trung và Việt - Lào.
Hệ thống đô thị phân bố hợp lý trên cơ sở 3 vùng không gian
Theo quy hoạch, hệ thống đô thị toàn vùng TD&MNBB đến 2030 được phân bố hợp lý trên cơ sở 3 vùng không gian.
Cụ thể, vùng biên giới Việt - Trung có khoảng 82 đô thị, gồm 48 đô thị cải tạo chỉnh trang, 17 đô thị nâng loại và 17 đô thị xây dựng mới. Trong đó, thành phố Lào Cai và Lạng Sơn là đô thị loại I. Thành phố Hà Giang, Cao Bằng là đô thị loại II. Thành phố Lai Châu là đô thị loại III. Có 14 đô thị loại IV và 63 đô thị loại V.
Vùng biên giới Việt - Lào có khoảng 76 đô thị, gồm 29 đô thị cải tạo chỉnh trang, 11 đô thị nâng loại và 36 đô thị xây dựng mới. Trong đó, thành phố Điện Biên và Sơn La là đô thị loại II. Các thành phố Mường Lay và Mộc Châu là đô thị loại III. Có 9 đô thị loại IV và 63 đô thị loại V.
Vùng trung du gò đồi có khoảng 120 đô thị, gồm 47 đô thị cải tạo chỉnh trang, 34 đô thị nâng loại và 39 đô thị xây dựng mới. Trong đó, thành phố Thái Nguyên, Việt Trì là đô thị loại I. Các thành phố Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Kạn và Sông Công là đô thị loại II. Các thành phố Phú Thọ, Nghĩa Lộ là đô thị loại III. Có 29 đô thị loại IV và 81 đô thị loại V.
Quy hoạch nêu rõ, sử dụng những loại đất kém hiệu quả về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và các vùng gò đồi, vùng đất hoang hóa để phát triển đô thị.
Không xây dựng khu đô thị, khu dân cư và khu công nghiệp tại các khu vực có nhiều đường đứt gãy địa chất đặc biệt tại địa bàn các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên hoặc các khu vực đã xảy ra hoặc có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở dọc các tuyến sông chính như sông Thái Bình, sông Lô, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Cầu, sông Chảy, sông Gâm, sông Hồng, sông Đà, sông Chu, sông Mã, sông Hiếu, sông Nậm Ma và sông Lam, các khu vực đồi núi cao và khu vực thay đổi độ dốc lớn thuộc vùng Tây Bắc, các khu bảo tồn thiên nhiên và khu rừng nguyên sinh như Vườn quốc gia Pù Mát, rừng quốc gia Bén Én, khu bảo tồn Pù Hu, Pù Luông.
Theo Chinhphu.vn