Từ ngày 15/1- 15/2/2014 (tức từ ngày Rằm tháng Chạp năm Quý Tỵ đến Rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ), “phố Ông Đồ” được chuyển vào khu vực Hồ Văn và quy hoạch thành các gian nhà bạt. Theo đó, sẽ quy hoạch khoảng 20- 25 nhà khung sắt, mái vải cùng kiểu dáng trong khuôn viên Hồ Văn. Mỗi gian nhà bạt sẽ bố trí 2 “ông Đồ” viết chữ, có bàn, ghế ngồi. Có niêm yết giá chữ công khai để người mua, người bán không có chuyện mặc cả, cãi vã…
Đây là nội dung quy hoạch “phố Ông Đồ” do UBND Quận Đống Đa, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám và Sở VHTTDL Hà Nội tổ chức. Theo nhận định của UBND Quận Đống Đa, từ nhiều năm nay, khu vực vỉa hè bên ngoài tường rào khu di tích Văn Miếu, Quốc Tử Giám xuất hiện một số cá nhân tự ý căng bạt trên vỉa hè để viết thư pháp và cho chữ trong dịp Tết Nguyên Đán. Hoạt động này phần nào đáp ứng được nhu cầu xin chữ đầu năm của đông đảo nhân dân, là nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn, phát huy. Tuy nhiên, việc xin và cho chữ tại khu vực này diễn ra tự phát, lộn xộn, không chịu sự quản lý của nhà nước, gây mất trật tự an ninh, vệ sinh môi trường. Hàng năm, vào dịp này, Quận đã giao lực lượng chức năng của phường Đống Đa, Văn Miếu xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại khu vực này. Song về lâu dài, cần có quy định quản lý thống nhất và cụ thể từ TP xuống cơ sở.
Năm nay, sẽ chỉ có khoảng 50-60 “ông Đồ” được viết chữ tại khu vực Hồ Văn. Những người cho chữ này đều do CLB UNESCO thư pháp Việt Nam tuyển chọn nhằm tránh tình trạng người viết chữ chưa đủ năng lực vẫn tham gia viết, bán chữ thư pháp. Các “ông Đồ” đều có thẻ do BTC cung cấp. Theo BTC, những “ông Đồ” này đều là thành viên của CLB UNESCO thư pháp Việt Nam và các câu lạc bộ thư pháp Hán Nôm có uy tín trên địa bàn Hà Nội, có trình độ Hán học và năng lực thư pháp tốt. /.
Theo Toquoc.gov.vn