Chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ triển khai chậm và sự phân cấp chưa rõ ràng... là những vấn đề được rút ra qua đợt giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng tại 7 quận, huyện, 3 khu đô thị mới và Sở Quy hoạch & Kiến trúc.
Điều chỉnh nhiều vì... chưa sát thực
Một vấn đề lớn trong quản lý và thực hiện quy hoạch trên địa bàn được Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh chỉ ra qua đợt giám sát là bất cập về chất lượng quy hoạch và cần phải xem xét thấu đáo trách nhiệm của cơ quan tư vấn, cơ quan thẩm định là Sở QH - KT, trách nhiệm của chính quyền các địa phương. Bởi thực tế cho thấy, cùng với yêu cầu tuân thủ quy định, quy trình của việc lập phê duyệt quy hoạch, cần phải được xem xét trên cơ sở đòi hỏi của cuộc sống và tính khả thi. "Lập quy hoạch không thể chỉ là vẽ để cho đảm bảo tiêu chí hay làm cho bản quy hoạch đẹp lên" - Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.
Tại quận Hoàng Mai, trong đồ án quy hoạch chi tiết, chức năng sử dụng đất một số ô quy hoạch không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất thực tế. Chủ tịch UBND quận Nguyễn Mạnh Hoàng thừa nhận: Quy hoạch chưa theo kịp đòi hỏi của cuộc sống; quy hoạch chuyên ngành không theo kịp quy hoạch phân khu và quy hoạch chung, dẫn đến độ "vênh" trong công tác quản lý có một phần trách nhiệm của quận. Nhưng các cơ quan lập, thẩm định quy hoạch cần "coi trọng" hơn ý kiến của chính quyền địa phương, để các quy hoạch khả thi.
Như một phản ứng dây chuyền, chất lượng quy hoạch kém dẫn đến những điều chỉnh cục bộ, có những quy hoạch chưa được thực hiện đã phải điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch ban đầu. Đáng chú ý, việc điều chỉnh thường nghiêng về lợi ích của chủ đầu tư. Theo báo cáo của Sở QH - KT, 9 tháng năm 2012, trong tổng số 244 hồ sơ giải quyết thì có 29 hồ sơ điều chỉnh cục bộ; 11 hồ sơ điều chỉnh tổng thể; 84 hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Tại quận Hoàng Mai, trong 15 quy hoạch chi tiết đã duyệt, có 9 đồ án phải điều chỉnh, trong đó không ít quy hoạch còn "nằm trên giấy". Phần lớn dự án của huyện Hoài Đức, cũng nằm trong diện phải rà soát, điều chỉnh. Đặc biệt, quy hoạch của Khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy) qua 8 lần điều chỉnh vẫn chưa hoàn thiện.
Cuộc sống không chờ quy hoạch
Hầu hết các quận, huyện mà Đoàn giám sát làm việc đều kêu khó do vướng "chờ" quy hoạch phân khu. Nguyên nhân do các quy hoạch phân khu TP chỉ giao cho Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội thực hiện, dẫn đến thực trạng mới có 10/31 quy hoạch phân khu được phê duyệt, còn lại đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Theo lãnh đạo huyện Hoài Đức, gần như toàn bộ dự án trên địa bàn phải "nằm lại" vì chưa có quy hoạch phân khu, nên thiếu cơ sở thực hiện.
Thực tế tại các quận, huyện cho thấy, Quyết định số 48 ngày 11/4/2006 của UBND TP Hà Nội về phân cấp thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trên địa bàn đã nảy sinh những bất cập, khiến không ít nơi rất lúng túng trong thực hiện. Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy Nguyễn Đắc Tuyến cho biết: Mặc dù được phân cấp toàn diện, nhưng do Sở QH - KT chưa phê duyệt bản đồ phân vùng, phân cấp quy hoạch để UBND quận làm cơ sở chủ động thực hiện. Do đó mỗi dự án quận đều phải xin phê duyệt của Sở với khung phạm vi ranh giới…, dẫn đến sự thụ động.
Không đồng tình với sự thụ động của chính quyền địa phương, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh băn khoăn: Phải chăng do các quận, huyện không đủ năng lực thực hiện?.
Về vấn đề này, lãnh đạo các quận, huyện khẳng định hoàn toàn có khả năng thực hiện được nhiệm vụ phân cấp như Luật Quy hoạch đô thị đề ra. Nhưng, đều "trông chờ" và mong muốn TP sớm có quyết định thay thế Quyết định số 48.
Trong khi đó, Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Văn Hải lý giải: Quá trình xây dựng "Dự thảo Quy định về tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn và quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn TP Hà Nội" bị ảnh hưởng nhiều do các quy định pháp luật thay đổi, phải bổ sung thường xuyên. Mặt khác, nền tảng phân cấp phải dựa trên quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu được duyệt. Trong khi đó, đến thời điểm này, nhiều quy hoạch vẫn đang trong quá trình xây dựng. Nhưng, sự lý giải "luẩn quẩn" này không nhận được sự đồng tình. Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng: Cuộc sống không chờ quy hoạch. Nếu cứ viện vào lý do sự thay đổi của các văn bản pháp luật liên quan thì bao giờ mới ban hành được quy trình phân cấp thống nhất để các địa phương thực hiện?
Dự kiến, giữa tháng 4 này, Thường trực HĐND TP Hà Nội có buổi làm việc với UBND TP và các sở, ngành liên quan để thống nhất biện pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước các cấp trong công tác quy hoạch.
|
Theo KTĐT