SearchNews

Quy định môi giới nhà đất có bằng đại học: "Treo" đến bao giờ?

04/08/2014 09:08

Với một thị trường môi giới vẫn còn chưa quy củ như hiện nay, quy định người hành nghề môi giới phải được cấp chứng chỉ hành nghề và có bằng đại học có được áp dụng nghiêm túc?

Nếu quy định môi giới nhà đất phải có bằng đại học thành hiện thực, sẽ có hàng vạn "cò" đất mất nghề. Tuy nhiên, liệu điều này trở thành nhân tố "đổi mới" thị trường nhà đất hay cũng chỉ là quy định cho có, còn  nhà nhà, người người vẫn cười khẩy tung hoành "cò" đất.

Bán nước, xe ôm làm môi giới

Là một nhân viên hành chính cho một công ty kinh doanh nhà đất thế nhưng chị Trần Mai Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) đã trở thành một trong những nhân viên kinh doanh, môi giới BĐS hiệu quả cao nhất công ty.

Số là, năm 2009, khi thị trường BĐS đang nóng sốt, chị Lan được mua suất nội bộ từ một dự án ở Ba Vì. Từ đó, chị bắt đầu làm quen và bước vào nghề môi giới. Ít ai trong công ty BĐS lại nghĩ rằng, một nhân viên lễ tân trực điện thoại, mới tốt nghiệp phổ thông, lại trở thành một môi giới chuyên nghiệp.

Chính vì không được đào tạo và thiếu kinh nghiệm nên hoạt động môi giới của chị Lan chỉ đơn thuần là việc giới thiệu khách tới gặp chủ đầu tư và nhận tiền chênh lệch.

Trường hợp của ông Mai Thanh Toàn (Thanh Xuân, Hà Nội) lại vừa bán nước kiêm môi giới nhà đất. Nắm bắt được nhu cầu của không ít người tỉnh lẻ muốn mua, thuê nhà Hà Nội, ông Toàn đã kết nối được nhiều phi vụ thành công từ việc “chỉ trỏ”, mỗi lần như vậy ông cũng kiếm được vài chục triệu đồng.

Hết thời nhà nhà làm môi giới

Tuy nhiên, nói về nghiệp vụ môi giới, đối với ông Toàn chắc chắn là một điều khó hiểu và ông cũng không hề biết luật kinh doanh BĐS là như thế nào.

“Nói là buôn đất cho oai, chứ mình cũng chỉ giới thiệu người nọ người kia, kiếm vài đồng. Hồi sốt đất còn kiếm được, chứ giờ thì khó lắm. Mình vẫn bán nước chè”, ông cho hay.

Không chỉ các môi giới cá nhân mà hàng loạt các văn phòng nhà đất mọc lên như nấm cũng xuất phát từ tình trạng “ăn xổi ở thì”. Lúc thị trường nóng sốt, chỉ cần một ki ốt khoảng vài mét vuông, một bộ bàn ghế và vài tờ quảng cáo, họ đã có thể thành lập một văn phòng nhà đất.

Đội quân môi giới bất động sản đã một thời “đục nước béo cò" trên thị trường BĐS với đặc trưng dễ thấy nhất là thổi giá và "ăn chênh". Các cơn sốt nhà đất "ảo" từng xảy ra trong quá khứ đều do mấy tay "cò" góp phần tạo nên. Còn trên thực tế, nhân viên môi giới lẫn lãnh đạo sàn cơ bản đều mới chỉ “phổ cập” chứng chỉ theo Thông tư 13/2008 của Bộ Xây dựng.

Ông Nguyễn Vũ Cao, BĐS Hoàng Gia Invest cho biết, nhìn chung các sàn giao dịch BĐS hiện nay chất lượng còn yếu, chưa thực sự chuyên nghiệp. Thời gian qua, nhiều sàn BĐS làm ăn chộp giật đã khiến cho thị trường thiếu minh bạch, làm mất lòng tin của khách hàng. Các đơn vị này chỉ biết bán, họ bất chấp vì mục đích lợi nhuận, cung cấp thông tin không đầy đủ, thiếu sự minh bạch, thậm chí cố ý gây sự nhầm lẫn thông tin gây rủi ro và thiệt hại lợi ích cho khách hàng.

Thời kỳ BĐS sốt nóng, tình trạng người người nhà nhà làm môi giới BĐS đã diễn ra, dẫn tới tình trạng chất lượng dịch vụ cung cấp không chuyên nghiệp, thông tin biến dạng, méo mó. Khi nhân viên môi giới thiếu trình độ, họ sẽ dùng các tiểu xảo để bán hàng.  

"Cò" thất nghiệp hay quy định 'treo'?

Theo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Bộ Xây dựng soạn thảo đang được Quốc Hội lấy ý kiến thông qua, thì người hành nghề môi giới phải được cấp chứng chỉ hành nghề và có bằng đại học.

Lo ngại thiếu hụt nhân sự BĐS

Phát biểu tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc đòi hỏi trình độ bằng cấp cũng như cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản là cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Thị trường BĐS rối loạn một phần do môi giới. "Cò" nhà đất rất nhiều trong khi môi giới đúng nghĩa rất ít. Luật này phải đưa hoạt động môi giới vào trật tự. Phải có trình độ nhất định mới cho làm môi giới chứ không phải bạ ai cũng cho làm vì pháp luật liên quan tới BĐS rất phức tạp...”.

Ông Vũ Cương Quyết, đại diện Đất Xanh Miền Bắc thì cho rằng, nếu quy định bắt buộc nhà môi giới bất động sản phải có bằng đại học được áp dụng vào thực tế, sẽ tước đi cơ hội nghề nghiệp của rất nhiều người. Đơn cử như sàn này sẽ có khoảng 20% nhân viên phải nghỉ việc hoặc chuyển sang việc khác, hoặc phải tiếp tục học lên đại học nếu muốn theo đuổi nghề môi giới.

Đại diện BĐS Hoàng Gia (RIDIC) cho rằng, việc quy định môi giới BĐS phải có bằng ĐH là điều cần thiết nhưng quan trọng hơn vẫn là kỹ năng mềm. “Thay vì coi trọng bằng cấp là điều kiện cần, cần phải nâng cao chất lượng vẫn là chính. Nhân viên môi giới cần đạo tạo theo quy chuẩn, nâng cao nghiệp vụ, hiểu thông tin sản phẩm và có đạo đức nghề nghiệp”, ông cho biết thêm.

Để hoạt động môi giới được chuyên nghiệp, ông Nguyễn Viết Hải, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản VIC cho rằng, Nhà nước phải giải quyết được tận gốc vấn đề, như hoạt động môi giới, Nhà nước phải giải quyết gốc rễ của vấn đề là hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ phải chuyên nghiệp hơn, thực tế hơn, trong đó đặc biệt chú trọng đến khía cạnh đạo đức nghề nghiệp.

Tuy nhiên, với một thị trường môi giới loạn như hiện nay, ngay cả việc tổ chức sàn giao dịch mà mấy năm qua làm chưa nổi thì liệu dự thảo thành hiện thực có trở thành quy định treo?

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu