UBND TP Hà Nội vừa ban hành giá bán nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang ở thuê theo Nghị định 61/CP.
Đây được xem là tháo gỡ lớn về chính sách, giúp giải tỏa những hồ sơ xin mua nhà mà người dân đã nộp từ vài năm nay. Báo An ninh Thủ đô giới thiệu về nội dung quy định trên.
Theo quy định mới nhất của UBND TP, giá bán nhà biệt thự bao gồm giá nhà và giá đất. Các mức giá này được căn cứ theo hạn mức đất ở do UBND TP quy định.
Cụ thể, từ đường vành đai 2 trở vào trung tâm thành phố, thuộc 4 quận nội thành cũ, hạn mức không quá 120m2/hộ; từ vành đai 2 trở ra, không quá 180m2/hộ. Với các trường hợp là người có công với cách mạng, hạn mức đất sẽ thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan.
Đối với phần diện tích trong hạn mức, người mua chỉ phải nộp 40% giá đất quy định tại Quyết định số 3519/QĐ-UB ngày 12-9-2007 và Quyết định số 35/2004/QĐ-UB ngày 12-3-2004 nhân với hệ số K=2,7.
Đối với phần diện tích đất vượt hạn mức, sẽ áp dụng mức thu 100% giá đất do UBND TP ban hành hàng năm (tại thời điểm bán). Giá nhà sẽ thực hiện theo Quyết định số 28/QĐ-UB ngày 6-1-1995 về giá chuẩn nhà ở xây dựng mới. Cơ chế giá trên được áp dụng cho các trường hợp ký hợp đồng mua nhà sau 25-9-2007 (ngày Nghị quyết 48/2007/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành).
Trường hợp đã ký hợp đồng mua nhà trước thời điểm 25-9-2007, đối với phần diện tích trong hạn mức, người mua chỉ phải nộp 40% giá đất quy định tại Quyết định số 3519/QĐ-UB ngày 12-9-2007 và Quyết định số 35/2004/QĐ-UB ngày 12-3-2004 nhân với hệ số K=1,8.
Đối với phần diện tích vượt hạn mức, mức thu 100% giá đất quy định tại Quyết định số 3519/QĐ-UB ngày 12-9-2007 và Quyết định số 35/2004/QĐ-UB ngày 12-3-2004 nhân với hệ số K=1,8. UBND TP chỉ đạo, các đơn vị bán nhà chịu trách nhiệm về tính hợp pháp đối với các hợp đồng mua nhà đã ký trước 25-9-2007.
Cùng với việc ban hành giá bán biệt thự, UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai việc bán biệt thự đảm bảo đúng đối tượng, giá bán và đơn giản hóa về thủ tục hành chính. UBND TP cũng nhấn mạnh: “Mọi trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đỗ Xuân Anh cho biết, không chỉ thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bán nhà và cấp GCN, Sở cũng cam kết xử lý nghiêm các cá nhân cố tình cản trở công tác bán nhà, nhũng nhiễu người dân.
Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, kết quả đợt kiểm tra rà soát biệt thự của tổ công tác liên ngành thành phố cho thấy, số lượng biệt thự còn nguyên trạng chiếm tỷ lệ 15%! Số lượng biệt thự đã cải tạo, sửa chữa, bị biến dạng trong quá trình sử dụng, cơi nới, lấn chiếm diện tích chiếm tỷ lệ 80%.
Đặc biệt, số lượng biệt thự đã phá đi, xây dựng mới chiếm tỷ lệ 5%. Cũng theo thông tin từ Sở Xây dựng, 60% biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước do công ty quản lý, kinh doanh nhà của thành phố quản lý. Đáng chú ý, có 30% biệt thự là đan xen giữa sở hữu Nhà nước và tư nhân. 10% còn lại là trụ sở cơ quan Nhà nước đan xen giữa các hộ dân thuê để ở.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đồng thời với việc bán biệt thự nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tư nhân hóa nhà ở, tạo điều kiện cho người dân khai thác, sử dụng biệt thự có hiệu quả hơn, thành phố sẽ áp dụng các chính sách quản lý đô thị và quản lý xây dựng nhằm giữ gìn, tôn tạo được hình dáng kiến trúc ban đầu của biệt thự, góp phần làm đẹp bộ mặt Thủ đô.
Đại diện Sở Xây dựng nói: “Bán biệt thự phải đảm bảo không chia nát khuôn viên và từng bước dỡ bỏ phần cơi nới, trả lại hình dáng kiến trúc ban đầu”.
(Theo ANTĐ)