Thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất… là những điểm mới nổi bật nêu trong Luật Đất đai sửa đổi quy định về thu hồi đất, hỗ trợ, bồi thường tái định cư.
Trước hết, về thu hồi đất, Bộ TNMT cho biết: Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể về 4 trường hợp Nhà nước thu hồi đất gồm: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển KTXH vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất do chấm dứt sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện và do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã quy định theo hướng thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo đó, ngoài các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, các trường hợp còn lại phải có xem xét về sự cần thiết phải thu hồi đất của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì nhà đầu tư trong nước được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để có đất thực hiện dự án đầu tư như quy định hiện nay.
Nhà đầu tư được chậm sử dụng đất 24 tháng
Về quy định xử lý đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, Bộ TNMT cho hay: Luật mới đã bổ sung quy định về việc chủ đầu tư được tiếp tục chậm sử dụng đất thêm 24 tháng và trong thời gian này chủ đầu tư phải nộp thêm một khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Sau 24 tháng được chậm tiến độ, nếu vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất và không bồi thường.
Về quy định xử lý đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, giải pháp áp dụng thuế lũy tiến, Bộ TNMT cho biết: Vấn đề này cũng đã được cân nhắc trong quá trình thảo luận. Tuy nhiên, đây là vấn đề không thuộc phạm vi của Luật Đất đai mà phải quy định trong pháp luật về thuế cho phù hợp với đối tượng điều chỉnh của Luật.
Người dân tham gia xây dựng phương án bồi thường
Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã quy định về các trường hợp Nhà nước trưng dụng đất, thẩm quyền, thời hạn, hiệu lực, hình thức của việc trưng dụng đất. Đồng thời, sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất để cải cách hành chính khi thực hiện các dự án theo hướng UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.
Luật cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển KTXH vì lợi ích quốc gia, công cộng; nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và thực hiện cưỡng chế quyết định thu hồi đất nhằm tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện thống nhất.
Đối với trình tự thu hồi đất, Luật đã quy định theo hướng tăng cường hơn sự tham gia trực tiếp của nhân dân trong việc đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất và xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; trách nhiệm đối thoại và giải trình của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi người dân chưa có ý kiến đồng thuận.
Tái định cư trước khi thu hồi đất
Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Luật Đất đai sửa đổi đã quy định khá chi tiết và bổ sung những quy định rất quan trọng như: Quy định giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất; quy định cụ thể điều kiện được bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất; bồi thường khi thu hồi đối với từng loại đất và từng đối tượng cụ thể.
Đặc biệt, yêu cầu đảm bảo sinh kế cho người có đất thu hồi đã được quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ hơn trong Luật sửa đổi thông qua quy định về các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như: Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở và một số khoản hỗ trợ khác.
Luật giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái cư.
Đồng thời, quy định khi thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và tổ chức thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.
Ngoài ra, Luật bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp chậm chi trả bồi thường do lỗi của cơ quan Nhà nước và do lỗi của người có đất thu hồi gây ra để đảm bảo trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong thực thi công vụ cũng như tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Luật cũng quy định cụ thể hơn về quyền tham gia của người dân trong quá trình lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; thẩm quyền.
Theo Chinhphu.vn