Các khu, cụm công nghiệp Hà Nội hình thành từ 1994, sau 15 năm phát triển đã tạo diện mạo mới cho ngành công nghiệp Thủ đô.
Tuy nhiên, mới đây Sở Công thương đã trình UBND TP bản báo cáo tổng quan, sau khi ra soát quy hoạch lại các khu, cụm, điểm công nghiệp (gọi chung là các khu CN) cần giảm trên 27% đất quy hoạch trước đó…
Thực trạng các KCN
Theo quy hoạch phát triển khu, cụm, điểm CN đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn TP Hà Nội, quỹ đất cho các KCN là 12.011 ha, bao gồm: 3 khu công nghệ cao (CNC), diện tích 1.852 ha; 19 KCN (5.229 ha), bình quân đạt 322 ha/KCN. Tuy nhiên trong số này, còn 4 KCN chưa được Chính phủ phê duyệt, với diện tích 1.980 ha; còn lại là 53 cụm CN (3.635 ha), bình quân đạt 69ha/cụm và 176 điểm CN (1.295ha phần lớn số này là điểm CN làng nghề. Hiện các KCN triển khai được 6.996 ha, bằng 58% diện tích quy hoạch, trong đó, khu công nghệ cao đạt 100% (1.852 ha), KCN đạt 40% diện tích (2.109 ha); Cụm CN đạt 70% (2.565 ha). Năm 2009, các khu, cụm CN có tổng giá trị sản xuất đạt ước 75.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu 2,1 tỉ SSD, chiếm trên 50% giá trị xuất khẩu toàn TP; nộp ngân sách nhà nước 1.500 tỉ đồng, giải quyết 200.000 lao động.
Về làng nghề, trong số 176 Cụm CN làng nghề được quy hoạch, đã có 49 cụm (470 ha), xây dựng hạ tầng, cấp phép hoạt động cho 5.870 dự án, bình quân đạt 800m2/dự án, trong đó có 2.000 dự án đã hoạt động. Theo Sở Công thương, quy hoạch các cụm làng nghề còn nhỏ lẻ (7,4ha/cụm), thậm chí có cụm diện tích 1 ha, lại dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên vai trò của sản xuất làng nghề lại rất quan trọng, toàn TP có 1.270 làng có nghề, trong đó 272 làng nghềđược công nhận, năm 2008 đạt giá trị sản xuất gần 7.000 tỉ đồng, chiếm 10% giá trị sản xuất CN- TTCN, giải quyết trên 626 nghìn lao động, chiếm 41,32% tổng số lao động CN – TTCN toàn TP; trong đó có trên 412 nghìn lao động địa phương (chiếm 64,93% tổng số lao động), thu nhập bình quân cao hơn từ 2- 2,5 lần so với sản xuất nông nghiệp (thuần nông)…
Quy hoạch điều chỉnh giảm trên 3000 ha đất KCN
Qua rà soát, Sở công thương đưa ra quan điểm, các KCN, khu CNC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục hoạt động như Quyết định thành lập. Các Khu, cụm CN nằm trong quận nội thành và vùng đô thị hạt nhân theo quy hoạch mới sẽ từng bước chuyển đổi chức năng sang đô thị, dịch vụ sang SX CN sạch, CN công nghệ cao… Đối với Cụm CN cũng sẽ chuyển đổi theo hướng trên, nhưng loại quy mô 50 ha được phép giữ nguyên để định hướng nâng quy mô lớn hơn thành KCN; loại quy mô nhỏ hơn 50 ha cũng như các cụm CN, cụm CN làng nghề cũng sẽ xem xét trên cơ sở quy hoạch chung… Trên cơ sở đó, Sở Công thương đề xuất loại bỏ, giảm 3.330 ha đất các KCN, trong đó, giảm: KCN tập trung 1.480 ha; Cụm CN 1.753 ha; Cụm CN làng nghề 97 ha.
Như vậy, tổng diện tích tiếp tục đưa vào quy hoạch phát triển các KCN là: 8.681 ha, trong đó: Khu CNC (giữ nguyên 100%), bằng 1.852ha. KCN 3.749 ha (bằng 72% diện tích quy hoạch); Cụm CN còn 1.882 ha (bằng 52%); Cụm CN làng nghề 1.198ha (92,5%). Tương ứng số diện tích trên sẽ loại khỏi danh mục có: 2 KCN (diện tích 1.480 ha); 11 Cụm CN (1.097 ha); và 13 cụm CN làng nghề, với diện tích 97 ha.
Theo quy hoạch, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, TP sẽ có 23 KCN, với tổng diện tích xếp xỉ 6.000 ha; 55 Cụm CN, diện tích 2.554 ha và 173 Cụm CN làng nghề, với 1.475 ha. Và khi đó, ngành CN Thủ đô sẽ có tổng diện tích 11.900 ha, bao gồm Khu công nghệ cao, khu CN, cụm CN.
Về chức năng quản lý, các KCN tập trung, khu công nghệ cao, thống nhất do Ban quản lýcác KCN & Chế xuất thực hiện. Các Cụm CN do Sở Công thương thực hiện theo Quyết định 105/2009/ QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ giao.
(Theo KTĐT)