Trong một hội thảo quốc gia về tăng cường quản lý sử dụng đất vừa mới diễn ra gần đây, lần đầu tiên quan niệm về triết lý sử dụng đất đai đã được một chuyên gia nêu ra và nhận được nhiều đồng tình từ các nhà khoa học. Lấy thí dụ Hồng Công, nơi có mục tiêu cho đô thị “vươn cao và lấn biển” rất rõ ràng, kèm theo đó là quy hoạch sử dụng đất theo mục tiêu này và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vị chuyên gia này cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần có một triết lý sử dụng đất thật cụ thể, thay vì mông lung, phát triển thiếu định hướng, dẫn đến có quy hoạch nhưng chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu thì lại tiếp tục xà xẻo đất nông nghiệp như hiện nay.
Tỷ lệ lấp đầy của nhiều khu công nghiệp mới đạt 45% (ảnh minh họa)
|
|
Theo ông Phùng Văn Nghệ, nguyên quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, việc phải có một triết lý về sử dụng đất là hoàn toàn xác đáng. Chính vì chưa có một triết lý chung nên tình trạng sử dụng đất bừa bãi, phá quy hoạch vẫn diễn ra và do đó đổ tội cho quy hoạch đất đai là chưa chính xác.
“Quy hoạch đất chỉ là nền tảng, định hướng bố trí trên nền tảng ấy mới là quan trọng. Thí dụ các ngành liên quan phải xác định được khu vực nào là đô thị, phải định hướng được phát triển đô thị đến đâu, đến mức nào, theo chiều hướng nào, ưu tiên cho các khu đô thị hay cho các vùng công viên cây xanh cần phải xác định rõ thì quy hoạch sử dụng đất đai mới có thể đề ra quỹ đất dự trữ để thực hiện” - ông Nghệ cho biết.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, có một câu hỏi lớn cần phải trả lời đó là tại sao chúng ta quy hoạch đất tưởng chừng kín kẽ như thế mà việc lãng phí, hoang hóa đất đai vẫn diễn ra tràn lan. Theo quy hoạch, đến cuối năm 2010 chúng ta triển khai được 267 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp với tổng diện tích 100.000ha, tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy mới đạt 45%, nhiều khu đất vẫn còn để trống. Cũng theo quy hoạch đến năm 2020, đất đai cho phát triển đô thị cũng tăng lên tới 1,75 triệu ha, tuy nhiên, hàng loạt khu đô thị lại đang bỏ hoang không có người ở.
“Phải chăng chúng ta đang quy hoạch quá lãng mạn thay vì có những mục tiêu cụ thể?” - GS. Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi.
Bên cạnh việc thiếu một triết lý chung để quy hoạch đất đai, loạn quy hoạch là thực trạng có thể dễ dàng nhìn thấy trong vài năm qua, khi các địa phương, các ngành đều đua nhau xin lập quy hoạch. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, chỉ riêng quy hoạch vùng, đến nay cả nước có 13 quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 60/63 tỉnh, thành phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; 14/15 khu kinh tế ven biển, 10/28 khu kinh tế cửa khẩu đã phê duyệt quy hoạch chung.
Còn quy hoạch ngành lại càng “khiếp” hơn nữa. Từ ngành xi măng, thép, giao thông, thoát nước, thủy điện… đều có những quy hoạch của riêng mình. Theo chuyên viên cao cấp Tôn Gia Huyên, thuộc Hội Khoa học Đất Việt Nam, khi xây dựng quy hoạch ngành, vị trí hàng đầu là quy hoạch sử đụng đất của ngành đó. Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, các ngành mới lên kế hoạch chi tiết cho tiến trình phát triển cụ thể của mình, như xây nhà máy để tăng công suất, xây khu đô thị…
Tuy nhiên hiện nay, tất cả quy hoạch này đang thiếu đi một nhạc trưởng để điều tiết, thay vào đó, mạnh ai nấy làm, khiến việc chồng chéo thường xuyên xảy ra, thí dụ ngành cấp thoát nước không liên hệ gì với quy trình phát triển các khu đô thị, dẫn đến tình trạng có khu đô thị làm xong cả năm rồi nhưng vẫn không thể có nước.
Theo ông Phùng Văn Nghệ, chính việc phối hợp yếu kém này đã dẫn đến tình trạng phải xin điều chỉnh quy hoạch thường xuyên, mà thường mỗi lần điều chỉnh lại thêm 1 lần rối rắm bởi đụng đến quyền lợi những ngành khác. Chính vì vậy, khi làm quy hoạch nhà nước, quy hoạch vùng, cần phải có sự phối hợp giữa các bên.
Thí dụ ngành giao thông ít nhất phải định hướng cho đất đai 30 năm, 50 năm nữa đường cao tốc ở đâu, đường sắt ở đâu, thế mới có thể có đất. Tương tự, ngành xây dựng phải chỉ ra đô thị sẽ hình thành kiểu gì, cần bao nhiêu đất cho khu đô thị mới, cho công cộng, cho trường học… Thiếu sự lắng nghe lẫn nhau đã khiến quy hoạch sử dụng đất những năm qua trở thành một khối hỗn độn, chồng chéo khó gỡ.
heo các chuyên gia, việc phải có một nhạc trưởng trong vấn đề quy hoạch đất đai là việc cấp thiết cần phải làm, điều này có thể hiệu lực bằng 1 bộ luật riêng về quy hoạch đất đai hoặc bản thân Luật Quy hoạch phải điều tiết được, hay bằng một cơ quan chuyên trách.
Bởi thực tế cho thấy, nếu không có được một tổng chỉ huy, quy hoạch về đất đai, đô thị sẽ càng ngày càng rối và rất khó tìm cách gỡ.