Thiếu hồ nước, thiếu đường phố đẹp, ít cây xanh, thiếu không gian công cộng… là những ý kiến của các chuyên gia kiến trúc của Hà Nội khi đánh giá về đô thị Hà Nội.
Tại hội thảo “Đô thị Hà Nội, 60 năm xây dựng và phát triển 1954 - 2014”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Vũ Mão nhận xét, nhận thức về quy hoạch của chúng ta đã có từ rất sớm, theo thời gian đã có nhiều quy hoạch được thực hiện, nhưng đối với từng giai đoạn quy hoạch, chúng ta nên rút ra bài học nhất định.
Bên cạnh đó, ông cũng phân tích thêm, đã có thời kỳ Hà Nội lấp đi nhiều hồ nước, đến nay dù đã đỡ hơn nhưng nhiều khu quy hoạch mới lại chưa có nhiều hồ, đường phố lập ra nhưng quá ít cây xanh. Thực tế bài học về bê tông hóa tại Thái Lan và Hàn Quốc khiến họ cũng đã ân hận về chuyện cây xanh…
Ông Mão cũng rất tán thành ý tưởng chúng ta nên có kiến trúc sư trưởng thành phố. Đồng thời, ông có đề xuất ý kiến:“Việc quy hoạch tổng thể của các đô thị, thành phố lớn nên được Quốc hội thông qua”.
Còn theo KTS Bùi Xuân Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thì bộ mặt kiến trúc đô thị Hà Nội về cơ bản đã theo chiều hướng tốt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều điều hạn chế.
Cụ thể, ông cho biết hiện trên địa bàn thành phố còn nhiều khu vực, tuyến phố nhếch nhác, đặc biệt còn tồn tại nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu méo. Công tác kiến trúc đô thị, cảnh quan, công trình... chưa làm nổi rõ yếu tố truyền thống đặc trưng của Hà Nội. Mặc dù có nhiều công trình được thực hiện nhưng lại không có một khu vực được tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.
Quy hoạch phân khu cần công khai cho người dân được biết
Theo ông Tùng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do sự đầu tư nóng vội không theo quy hoạch, công tác quy hoạch chưa đi trước một bước, các văn bản pháp lý chưa hoàn thiện, thời gian ban hành còn chậm. Việc quản lý đô thị vẫn nặng về các chỉ tiêu quy hoạch chứ chưa chú trọng đến kiến trúc công trình. Cuối cùng, ông cho rằng, nguyên nhân chính ở đây là do năng lực, trình độ quản lý các cấp còn hạn chế.
Không chỉ vậy, ý thức xây dựng đô thị văn minh của đa số cá nhân, tổ chức còn chưa cao và công tác thanh, kiểm tra chưa được thực hiện kiên quyết triệt để, xử phạt chưa đủ mức răn đe, ngăn ngừa.
PGS.TS Phạm Hùng Cường, Hiệu phó Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thì chỉ ra đô thị Hà Nội đang thiếu nhiều thứ, bên cạnh những tòa biệt thự đẹp, nhiều cao ốc đẹp… thì còn thiếu những đường phố đẹp, thiếu cả không gian công cộng để người dân có chỗ tập thể dục, người già ngồi đánh cờ, thanh niên có chỗ chuyện trò. Nhất là thiếu những quảng trường văn hóa, nơi cần phải thực sự là “phòng khách của đô thị”.
Cùng với quá trình đô thị hóa, Thủ đô Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần được giải quyết sớm. Đó là sự phát triển quá tải về dịch vụ y tế, cơ sở giáo dục, ô nhiễm môi trường, hệ thống giao thông, thoát nước chưa được giải quyết triệt để… do gia tăng dân số cơ học, nhất là di dân từ các tỉnh, khu phụ cận vào thành phố.
Việc bảo tồn và cải tạo đô thị lõi lịch sử gồm Khu phố cổ, phố Pháp và các di sản, di tích, vấn đề nhà ở, cải tạo chung cư cũ, nhà nguy hiểm; xây dựng, quản lý các khu đô thị mới… còn rất nham nhở.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên nhất thiết phải sáng tạo trong lập quy hoạch phân khu, dù bị thúc ép về tiến độ nhưng cần đảm bảo chất lượng của các đồ án quy hoạch. Cùng với đó, cần công khai quy hoạch phân khu cho người dân được biết.
Thứ trưởng cũng lưu ý, quy hoạch chung là định hướng cho toàn thành phố, còn quy hoạch phân khu phải cụ thể hóa, có tính sáng tạo. Điều này đến nay vẫn chưa đạt được như mục tiêu mong muốn vì thời gian gấp, khối lượng công việc nhiều.
Cùng với đó, Bộ cũng đã đề xuất với Thủ tướng về việc sẽ xây dựng hàng chục hồ giống như Hồ Gươm, Hồ Tây, xây dựng những khu phố như phố cổ phù hợp với tập quán sinh hoạt của người Việt Nam hiện đại trong đồ án quy hoạch, để đến những dịp lễ hội, du khách đến Hà Nội không phải tập trung về Hồ Gươm, Hồ Tây nữa. Điều này sẽ góp phần tạo nên nét văn minh đô thị Thủ đô và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí ngày càng cao của người dân.