SearchNews

Quy hoạch Hà Nội đang “vỡ trận”?

26/04/2017 08:05

Luật quy hoạch Hà Nội được xây dựng và phê duyệt rất chặt chẽ nhưng việc điều chỉnh lại rất sơ sài, dẫn đến hệ lụy quy hoạch bị "vỡ trận".

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) cho rằng, trong phần điều chỉnh quy hoạch (Luật Quy hoạch) chỉ có một điều: Cấp nào phê duyệt thì cấp đó điều chỉnh. Nhưng luật lại không nói quy trình điều chỉnh phải tuân thủ như quy trình xây dựng quy hoạch. Vì thế, chỉ cần lãnh đạo Thành phố phê vào góc đơn, góc công văn hay ra một quyết định đơn lẻ là thay đổi hết.

“Sai một li, đi một dặm”

Theo quy hoạch chung, TP. Hà Nội mở rộng về mọi mặt được mong chờ và hy vọng sẽ mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho thủ đô. Sau quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết cũng đã từng bước được triển khai. Nhưng chứng kiến tình hình thực tế hiện nay, ai cũng phải lắc đầu ngao ngán, nhiều chuyên gia cho rằng chính việc quy hoạch liên tục được điều chỉnh dẫn tới hệ lụy như hiện nay và đây chính là kẽ hở chính dẫn tới các đô thị bị “vỡ trận”.

Luật gia Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho một đô thị lớn không đơn giản như việc xây một căn nhà, có thể phá đi xây lại tùy theo khả năng, sở thích, nhu cầu,… Vì vậy, phương án quy hoạch là hết sức quan trọng, chỉ cần “sai một li là đi một dặm”.

Theo ông Hậu, ở các nước trên thế giới, hạ tầng công trình đô thị của họ được xây dựng cách đây hàng trăm năm nhưng vẫn đảm bảo được các yêu cầu về tự nhiên, kỹ thuật… cho đến thời điểm hiện tại, vẫn phục vụ tốt cho cuộc sống của người dân và nếu có trục trặc thì cũng chỉ là một vài vấn đề nhỏ có thể khắc phục. Điểm khác biệt ở đây chính là tầm nhìn xa rộng, tính khả thi, sự đầu tư và vì lợi ích cộng đồng trong công tác quy hoạch.

quy hoạch
Nhiều chuyên gia nhận định, chính việc quy hoạch liên tục được điều chỉnh
dẫn tới hệ lụy như hiện nay và đây chính là kẽ hở chính dẫn tới
các đô thị bị “vỡ trận”

TS. Nguyễn An, Giám đốc Hãng Luật Cộng đồng nhận xét, việc dễ dàng điều chỉnh quy hoạch đã đẩy nhiều khu đô thị rơi vào tình trạng quá tải, tắc nghẽn. Ngoài ra, tình trạng buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong việc giám sát, quản lý yếu kém nên tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan đã đẩy các khu đô thị vào cảnh hỗn loạn như hiện nay.

Giải pháp nào để khắc phục?

Vấn đề "vỡ trận" quy hoạch ở các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM đã hiện rõ. Nếu chúng ta không có giải pháp thì việc “vỡ trận” sẽ càng ngày càng trầm trọng hơn. Theo các chuyên gia, điều đầu tiên cần thực hiện chính là sửa đổi, bổ sung Luật quy hoạch hiện nay.

Nhằm ngăn chặn tình trạng phá vỡ quy hoạch như hiện nay, ông An cho rằng, dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung một số vấn đề. Cụ thể, cần làm rõ sự tác động và mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch với Luật Xây dựng, Luật Đô thị,… và các luật khác có liên quan, để từ đó tránh chồng chéo, đảm bảo tính thực thi của Luật; công tác quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương; bổ sung thêm các quy định về những hành vi liên quan đến chất lượng để từ đó xử lý nghiêm những quy hoạch sai, kém chất lượng.

Ngoài ra, xác định tầm nhìn phát triển quy hoạch tương lai và bổ sung các quy định về khâu kiểm định hậu quy hoạch, tránh việc quy hoạch trên giấy thì rất hay còn khi thực hiện thì lại không như vậy.

TS. An cũng cho biết thêm, việc quy hoạch kinh doanh BĐS đang tồn tại nhiều bất cập cũng làm ảnh hưởng đến Luật quy hoạch chung. Vì vậy, cần quy hoạch lại các căn nhà mặt phố, mặt ngõ tại các thành phố bắt buộc phải lựa chọn là để kinh doanh hay để ở. Nếu để ở thì không được phép sử dụng làm kinh doanh. Còn nếu làm kinh doanh thì phải có chỗ để xe cho khách không lấn vỉa hè, phải có hệ thống phòng cháy chữa cháy, phải chịu phí điện – nước theo hộ kinh doanh.

"Mặt khác, tất cả các tòa nhà xây dựng đều phải có sức chứa số lượng xe ôtô và xe máy gấp 3 lần số dân cư dự kiến sinh sống và làm việc tại tòa nhà đó. Đã đến lúc cần đưa quy định về xây dựng sai phép, vượt tầng vào bộ luật hình sự nhằm làm căn cứ để xử lý nghiêm các chủ đầu tư, chế tài xử phạt này sẽ có tính răn đe hơn việc chỉ xử lý hành chính”, ông An kiến nghị.

TS. Nguyễn An nhấn mạnh, theo dự thảo Bộ luật hình sự mới nhất thì pháp nhân cũng là chủ thể để xử lý hình sự nếu có sai phạm. Việc đưa pháp nhân làm chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự chính là mở rộng phạm vi xử lý sai phạm. Chủ đầu tư của các dự án xây dựng này cũng là pháp nhân nên việc đưa quy định vào Bộ luật hình sự để xử lý nghiêm các chủ đầu tư là hợp lý.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu