Một trong những giải pháp được thực hiện nhằm tăng cường quản lý thị trường bất động sản là phải rà soát lại toàn bộ các dự án phát triển khu đô thị mới, khu nhà ở trên toàn quốc nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ giải quyết nợ xấu.
Con số này lên tới 4.015 dự án bất động sản có tổng diện tích chiếm đất trên 102 nghìn ha với nguồn cung dự kiến khoảng 36.076ha nhà ở.
Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương, nhất là những địa bàn trọng điểm có nhiều dự án đầu tư kinh doanh bất động sản rà soát lại toàn bộ các dự án.
Đối tượng rà soát bao gồm từ các dự án phát triển đô thị và nhà ở đang triển khai cho đến các dự án đã giao chủ đầu tư nhưng chưa triển khai.
Từ đó, phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng hoặc cần phải điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Giải pháp này nhằm cân đối lại nguồn cung và phân khúc nhà ở cho phù hợp, sát với nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định rõ năm 2014 sẽ không cấp phép mới cho các dự án nhà ở thương mại, trừ dự án có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với quy mô căn hộ nhỏ hơn 70m2.
Việc quyết định cho phép đầu tư mới các dự án kinh doanh bất động sản hay quyết định đầu tư vào lĩnh vực này của doanh nghiệp cũng sẽ được xem xét thận trọng và kỹ càng hơn.
Bởi vậy, xu hướng chuyển nhượng toàn bộ hoặc từng phần dự án phát triển bất động sản, kể cả cho các doanh nghiệp nước ngoài và mua bán sát nhập giữa các chủ đầu tư với nhau sẽ diễn ra phổ biến hơn trong năm 2014, Bộ Xây dựng nhận định.
Qua diễn biến của thị trường những tháng đầu năm, bất động sản vẫn tiếp tục xu hướng điều chỉnh cơ cấu sản phẩm. Nguồn cung vẫn tập trung vào phân khúc bình dân, diện tích vừa và nhỏ, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2.
Đây cũng là sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm. Cùng với thanh khoản khá tốt của phân khúc này, các căn hộ trung và cao cấp đã xong phần thô hoặc đang hoàn thiện, có vị trí thuận lợi cũng có giao dịch tốt hơn, thu hút một bộ phận khác hàng quan tâm.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng từ báo cáo của 61 địa phương chuyển về, trong số rà soát sẽ có khoảng 3.258 dự án được tiếp tục triển khai, chiếm khoảng 81%.
Số dự án cần phải điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp, điều chỉnh quy hoạch là 455 dự án, xấp xỉ 11,2%; trong số này Hà Nội dẫn đầu với 285 dự án cần điều chỉnh còn Thành phố Hồ Chí Minh là 33 dự án.
Hiện các dự án tạm dừng triển khai là 287 dự án chủ yếu do chủ đầu tư không huy động thêm được nguồn vốn để thực hiện tiếp.
Tuy nhiên, thị trường cũng vẫn còn 470 dự án đã hoàn thành nhưng chưa được các địa phương cập nhật thông tin./.
Theo Vietnam+