Quyết định 207 của UBND TP HCM về xử lý nhà xây dựng trái phép có nguy cơ “phá sản” do nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhà ở không đặt điều kiện phải có quyết định công nhận tồn tại công trình mới cấp giấy chứng nhận.
Quyết định của Thủ tướng quy định các công trình đã xây dựng trước ngày Luật xây dựng có hiệu lực nhưng không phù hợp quy hoạch thì xử lý theo hai hướng. Nếu thực hiện ngay quy hoạch thì giải tỏa, được đền bù theo quy định. Trường hợp chưa thực hiện quy hoạch thì được phép tồn tại theo hiện trạng.
Cuối năm 2005, UBND TP ban hành quyết định 207 triển khai quy định trên. Quy trình này yêu cầu người dân phải nộp hồ sơ kê khai tại UBND phường, xã. Sau khi có xác nhận của UBND phường, xã, tiếp tục nộp hồ sơ tại UBND quận, huyện đăng ký tồn tại công trình. Công trình phù hợp qui hoạch, có quyết định tồn tại mới được xem xét cấp giấy chứng nhận (GCN).
Quy định yêu cầu qua hai cấp nhưng thực tế người dân mất rất nhiều thời gian. Nhiều chủ công trình xây dựng trái phép lo lắng nay ồ ạt kê khai để được công nhận. Việc này dẫn đến quá tải tại các địa phương, nhất là các quận ven, huyện. Còn cơ quan xử lý lại lúng túng: những khu vực chưa có qui hoạch hoặc đang điều chỉnh qui hoạch thì căn cứ vào đâu để cấp GCN?
Trưởng phòng quản lý đô thị một quận nói theo quy định thời gian xử lý nhà xây dựng trái phép, công nhận tồn tại mất 45 ngày, quy định cấp GCN là 30 ngày. Nếu áp dụng theo quyết định 207 thì mất hơn hai tháng mới được cấp giấy GCN. Trong khi theo nghị định 90 chỉ mất phân nửa thời gian. “Cách làm này đỡ mất thời gian đi lại của dân, không tốn chi phí đo vẽ mà cả cơ quan chức năng cũng giảm tải. Còn nếu áp dụng quy trình xử lý theo quyết định 207 rồi mới cấp GCN thì không biết đến bao giờ mới giải quyết xong hàng trăm ngàn căn nhà xây dựng trái phép trên địa bàn TP”, một cán bộ khác nói. |
Thống kê sơ bộ, đến giữa tháng 10, toàn thành phố đã tiếp nhận hơn 307.000 hồ sơ kê khai xây dựng trái phép. Một cán bộ cho biết trên thực tế số nhà xây dựng trái phép có thể chưa dừng lại ở mức này vì có người dân đi làm xa, không biết nên chưa kê khai. Cũng đến thời điểm trên, các quận huyện mới tiếp nhận hơn 38.000 hồ sơ đăng ký xin tồn tại và giải quyết được 3.400 hồ sơ. Các quận huyện than hồ sơ xin tồn tại quá lớn so với năng lực giải quyết của cán bộ phụ trách. Vì vậy theo qui định, trong vòng 45 ngày cơ quan hữu quan phải ra quyết định cho tồn tại công trình (đối với công trình phù hợp qui hoạch) nhưng kéo dài 2-3 tháng là chuyện bình thường.
Theo hay không theo 207
Trong cuộc họp triển khai nghị định 90, các quận huyện hỏi khi xét cấp GCN nhà xây dựng trái phép có phải kèm theo quyết định công nhận tồn tại công trình? Đại diện Bộ Xây dựng trả lời là không. Nếu nhà ở không có các loại giấy tờ theo qui định thì UBND phường, xã xác nhận nhà đất không tranh chấp, xây dựng trước qui hoạch. Trường hợp xây dựng sau qui hoạch phải phù hợp qui hoạch. Trưởng phòng quản lý đô thị một quận cho rằng với cách giải thích như vậy có thể hiểu không chỉ quyết định 207 của UBND TP mà cả quyết định 39 của Thủ tướng cũng bị vô hiệu hóa. Bởi có quyết định công nhận tồn tại công trình hay không cũng không phải là điều kiện để xem xét cấp GCN.
Trong khi đó, đội trưởng đội quản lý đô thị một quận đề xuất nếu qui định cấp GCN của nghị định 90 thoáng hơn quyết định 207 thì nên cấp GCN theo nghị định 90. Mục đích của quyết định 207 là xử lý những công trình vi phạm, không phù hợp quy hoạch. Riêng công trình phù hợp quy hoạch vẫn được công nhận. “TP chỉ nên xem xét xử lý theo quyết định 207 đối với những công trình vi phạm quy hoạch, vi phạm chỉ giới đường sông, hành lang an toàn kỹ thuật... thuộc các dự án đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai” - cán bộ này kiến nghị.
(Theo Tuổi Trẻ)