Nhà đầu tư có tổng mức đầu tư và hiệu quả đầu tư lớn nhất sẽ có cơ hội trúng thầu cao nhất.
“Việc thí điểm đấu thầu chọn nhà đầu tư cho hai dự án khu tam giác Phạm Ngũ Lão-Nguyễn Thái Học-Trần Hưng Đạo (quận 1) và khu chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh) đã cho nhiều bài học kinh nghiệm. Hiện nay, nhiều khu đất nằm ở vị trí thuận lợi, trung tâm, có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, mong muốn được đầu tư.
Nhằm khai thác tiềm năng đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách, việc tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư sẽ minh bạch, khách quan, hiệu quả thay vì chỉ định nhà đầu tư”. Chủ tịch Hội đồng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của TP, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đã báo cáo như trên trong văn bản trình TP xem xét dự thảo Quy chế về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án có sử dụng đất trên địa bàn TP ngày 10-6 vừa qua.
Chấm điểm nhà đầu tư
Theo dự thảo, danh mục, thứ tự dự án đưa ra tổ chức đấu thầu do UBND TP quyết định nhưng phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của Sở KH&ĐT ít nhất hai tháng trước khi phát hành hồ sơ mời thầu.
Cũng theo dự thảo, có hai hình thức lựa chọn nhà đầu tư: đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu. Đấu thầu rộng rãi không hạn chế số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia nếu thỏa các yêu cầu trong quy chế này.
Hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được đánh giá theo thang điểm 100. Trong đó, ý tưởng đầu tư (qua tiêu chí mục tiêu, quy mô dự án, tiến độ xây dựng, hiệu quả kinh tế-xã hội) 20 điểm, kinh nghiệm đầu tư quản lý kinh doanh các dự án tương tự 30 điểm, năng lực tài chính 50 điểm. Nhà đầu tư nào có tổng số điểm đánh giá từ 70 điểm trở lên được xếp vào danh sách ngắn do bên mời thầu phê duyệt. Sau đó, các nhà đầu tư này được mời đến mở lần hai túi đề xuất tài chính. Tiêu chuẩn về mặt tài chính xác định theo hai bước: năng lực tài chính và hiệu quả của việc đầu tư mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Nhà đầu tư được đề nghị trúng thầu thỏa các điều kiện sau: có tên trong danh sách ngắn, có tổng mức đầu tư lớn hơn hoặc bằng giá sàn và hiệu quả của việc đầu tư mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước lớn nhất. (Hiệu quả này được tính bằng giá trị đền bù giải tỏa di dời và đóng góp ngân sách (nếu có)).
Trúng thầu rồi xù: Cấm cửa ba năm
Dự thảo cũng quy định các chế tài phạt vi phạm trong quá trình đấu thầu. Nhà đầu tư trúng thầu mà không thực hiện dự án thì bị tịch thu bảo đảm dự thầu, cấm tham gia dự thầu các dự án đầu tư tại TP trong ba năm. Nếu có bằng chứng thông đồng giữa các nhà đầu tư với nhau hoặc giữa nhà đầu tư với bên mời thầu thì cũng bị phạt tương tự. Nhà đầu tư trúng thầu cũng không được chuyển nhượng kết quả trúng thầu cho nhà đầu tư khác.
Dự án đã được TP giao chủ đầu tư thực hiện trước ngày quy chế này có hiệu lực, nếu quá thời hạn quy định trong văn bản giao chủ đầu tư hoặc sau sáu tháng kể từ ngày quy chế có hiệu lực (đối với trường hợp văn bản giao chủ đầu tư không quy định thời hạn), đơn vị nào không hoàn thành thủ tục giao đất hoặc cho thuê đất mà không phải do những trở ngại khách quan thì UBND TP sẽ thu hồi dự án, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khác.
Hết còn “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Theo dự thảo, Sở KH&ĐT là cơ quan có thẩm quyền thẩm định, trình TP phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu hoặc hủy thầu với các dự án mà bên mời thầu là sở, ban ngành, hội đồng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và UBND TP. Các dự án do quận, huyện làm bên mời thầu thì giao cho một đơn vị trực thuộc (đơn vị này phải bảo đảm không thuộc đơn vị tổ chức đã được giao lập hồ sơ mời thầu) thẩm định hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu hoặc hủy thầu, trình quận, huyện phê duyệt.
Do còn một số nội dung cần xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan vì chưa có quy định hoặc chưa phù hợp với thực tế, Sở KH&ĐT cho biết sẽ gửi dự thảo để TP trình các bộ, ngành xem xét chấp thuận các kiến nghị này trước khi TP thông qua quy chế đấu thầu trên.
(Theo PL TPHCM)