SearchNews

Sẽ có quảng trường lớn nhất ĐNÁ

16/11/2007 08:43

Diện tích 20 ha, tiện nghi và rộng nhất khu vực Đông Nam Á, quảng trường tương lai của TP HCM sẽ nằm trên trục chính đô thị mới Thủ Thiêm.

Diện tích 20 ha, tiện nghi và rộng nhất khu vực Đông Nam Á, quảng trường tương lai của TP HCM sẽ nằm trên trục chính đô thị mới Thủ Thiêm.

Không gian sinh hoạt công cộng này dự kiến sẽ kết nối với bờ sông Sài Gòn, hướng sang khu trung tâm hiện hữu của thành phố và có sức chứa lên đến hàng trăm nghìn người.

Đây là phác thảo ban đầu ý tưởng thiết kế quảng trường trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm, được Ban quản lý dự án công bố hôm 13/11. Dự kiến một cuộc thi thiết kế tầm quốc tế sẽ được TP HCM mở cho 3 hạng mục là quảng trường trung tâm, công viên bờ sông và cầu đi bộ của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó quảng trường được xem là yếu tố mấu chốt, cũng như điểm xuất phát của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đại diện đơn vị tư vấn Sasaky Associates, ông Dennis Pieprz nói, muốn lập kế hoạch gắn kết Thủ Thiêm với trung tâm lịch sử của thành phố, phải tạo được ấn tượng mạnh nhất về khu đô thị mới. Đó là cần phát triển một quảng trường lớn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của đông đảo công dân TP HCM vào thế kỷ XXI. Đây là nơi quan trọng nằm sát bờ sông với nhiều loại hình hoạt động diễn ra trong không gian công cộng của Thủ Thiêm tương lai. Yêu cầu của khu quảng trường trung tâm là phải đảm bảo sự kết hợp hài hòa với nước, nét đặc trưng tạo vẻ đẹp và sự hứng khởi thích thú cho mọi người.

Nguy cơ túi nước Thủ Thiêm

Nhiều chuyên gia kiến trúc nhận xét Việt Nam đang thiếu quảng trường - những khu sinh hoạt văn hóa công cộng - một cách trầm trọng. Do đó, không ít chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng về hình mẫu một quảng trường tương lai cho TP HCM trong thế kỷ XXI, tại Thủ Thiêm.

Ủy viên Đoàn chủ tịch hội đồng kiến trúc TP HCM, kiến trúc sư Lê Văn Năm cho rằng, điều quan trọng nhất là quảng trường thế kỷ XXI phải tạo ra một đặc trưng độc đáo của Nam bộ, không cần thiết phải lớn mênh mông. Theo ông Năm, khu sinh hoạt công cộng cần phải được chia nhỏ tạo nên các tiểu quảng trường liên kết với nhau, thuận lợi cho nhiều hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội và thậm chí là kinh tế.

"Làm thế nào khi đứng ở tượng đài Trần Hưng Đạo ngay chợ Bến Thành, người dân Sài Gòn vẫn có thể cảm nhận được không khí quảng trường từ Thủ Thiêm lan tỏa sang khu trung tâm, đó mới là thành công", ông Năm phát biểu.

Trong khi đó, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính rất bức xúc về tình trạng thiếu quảng trường của Việt Nam. Ông Kính nói, Hà Nội là thủ đô nhưng cũng chỉ có mỗi quảng trường Ba Đình. Còn lại các đô thị lớn từ Bắc chí Nam đều không có quảng trường nào đúng nghĩa ngoài thực chất là những khoảng bê tông hóa bị giao thông xâm lấn.

Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Nguyễn Trọng Hòa cho biết, Ban giám khảo sẽ chấm bài dự thi thiết kế khu trung tâm hiện hữu mở rộng của TP HCM từ ngày 20/11. Đầu tháng 12, thành phố sẽ công bố đơn vị thắng giải. Sau đó, cuộc thi thiết kế những ô phố nhỏ lần lượt được tiến hành.

Ông Hòa nhấn mạnh, bờ Tây sông Sài Gòn ôm khu trung tâm hiện hữu của thành phố từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, sẽ đối xứng với Thủ Thiêm bằng khu công viên bờ sông trong tương lai. 

Hình dung không gian khu trung tâm tương lai được ông Hòa đưa ra là trục đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi trở thành phố đi bộ. Từ công trường Mê Linh sẽ có một cây cầu nối khu trung tâm hiện hữu với Thủ Thiêm để tạo sự hài hòa, cân xứng và chuyển tiếp.

"Quảng trường của thế kỷ XXI tại Thủ Thiêm sẽ là nơi của mọi công dân, biểu tượng thời đại dân chủ, gần gũi với cuộc sống Nam bộ, kết nối truyền thống và hiện đại, lịch sử cùng văn hóa", ông nói.

Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty tư vấn đầu tư công nghiệp Đại Hà, kiến trúc sư Lưu Trọng Hải nhấn mạnh, không nên xây dựng nhà cao tầng xung quanh quảng trường, cản tầm nhìn từ TP HCM sang Thủ Thiêm và ngược lại. Công viên hướng ra bờ sông và cầu đi bộ phải đáp ứng được nhu cầu đi dạo, ngắm cảnh và dừng lại chụp hình của người dân cũng như du khách.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại về vấn đề thoát nước cho Thủ Thiêm. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái khẳng định, cần có giải pháp thoát nước khoa học cho khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bài học TP HCM đang bị ngập nước do mưa và triều cường kinh khủng từ sau khi kiến thiết khu Nam thành phố, là một kinh nghiệm.

Theo ông Thái, thành phố cần tận dụng các chương trình hợp tác xây dựng hạ tầng về thủy lợi với nhiều quốc gia trên thế giới để giải quyết vấn đề thoát nước cho Thủ Thiêm. "Vùng đất Thủ Thiêm xưa nay là nơi điều tiết và chứa nước cho cả TP HCM, xây dựng đô thị phải nâng nền, vậy thì cần tính đến việc nước sẽ thoát đi đâu", ông Thái nói.

Tương tự, kiến trúc sư Lưu Trọng Hải cũng nhắc đến việc nếu Thủ Thiêm nâng cốt san nền lên 2 m thì lấy đất đá ở đâu và điều tiết nước phải được đặt lên hàng đầu.

Vũ Lê

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu