SearchNews

Siết tín dụng đổ vào bất động sản

04/03/2011 08:52

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành chỉ thị “lượng hoá” chủ trương thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành chỉ thị “lượng hoá” chủ trương thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát.

Ảnh minh họa

Theo đó, tín dụng với lĩnh vực phi sản xuất, nhất là tín dụng với bất động sản và chứng khoán được yêu cầu phải giảm tốc độ và tỷ trọng, đến tháng 6.2011 còn tối đa 22% so với tổng dư nợ và tiếp tục giảm còn tối đa 16% đến hết năm nay.

Trong lúc thị trường bất động sản phía Nam đang suy giảm, chính sách siết chặt tín dụng đổ vào lĩnh vực này càng khiến cho giới kinh doanh, đầu tư lo lắng. Xu hướng này được nhận định là sẽ lan ra thị trường phía Bắc, nhất là trong bối cảnh Chính phủ cam kết siết chặt đầu tư công.

Bất động sản trầm lắng: nợ tăng

Cùng với quy định mức trần đối với lĩnh vực phi sản xuất (bao gồm bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng), NHNN cũng khẳng định: “Trường hợp tổ chức tín dụng chưa thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, NHNN áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong sáu tháng cuối năm 2011 và năm 2012”.

So với tỷ trọng tín dụng khu vực phi sản xuất trong tổng dư nợ là 18,9% của năm 2010, mức trần mục tiêu 16% năm nay cũng không phải là một bước giảm quá mạnh. Song nếu nhìn trong bức tranh là tổng dư nợ tín dụng của cả năm cũng được giới hạn mức tăng dưới 20% (năm 2010 tăng 27,65% – đã loại trừ hư số tăng của tỷ giá và giá vàng), thì có thể thấy, dòng vốn đổ vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản đã bị thu hẹp đáng kể. Và việc siết chặt tín dụng phi sản xuất cũng đã được cơ quan quản lý về chính sách tiền tệ thực hiện trong cả một lộ trình: nếu như năm 2009, tốc độ tăng trưởng tín dụng khu vực này lên tới 41,74% thì đến năm 2010 chỉ còn 23,5%, tương ứng 228.000 tỉ đồng.

Theo thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, trong hai tháng đầu năm 2011, theo số liệu chưa đầy đủ, tín dụng phi sản xuất tăng khoảng 3,27%, chiếm khoảng 1,5% tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. “Mức tăng này không phải là nhanh. Nếu theo yêu cầu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thì có thể giảm chút nữa, có thể thích hợp hơn”, ông Giàu nói.

Về cho vay bất động sản, giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Hồ Hữu Hạnh e ngại: “Đến tháng 12.2010, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM vào khoảng 110.000 tỉ đồng – một con số khá cao và tăng nhanh so với trước đó. Sở dĩ có chuyện tín dụng bất động sản đội lên đột xuất như vậy là do nhiều dự án đã không thu hồi được vốn đúng hạn, do thị trường bất động sản phía Nam, đặc biệt là TP.HCM trầm lắng trong một thời gian dài. Những ngân hàng có tỷ trọng tín dụng bất động sản cao rất rủi ro”.

Cực chẳng đã phải giảm

Trong bối cảnh nền kinh tế luôn “khát” vốn, yêu cầu giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng là một quyết định không dễ dàng với các ngân hàng và nền kinh tế. Phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) Nguyễn Văn Thạnh chia sẻ, năm 2010, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Vietinbank đạt 28%. Bước sang năm 2011, vừa lo xong kế hoạch thúc đẩy tín dụng cho cả năm thì nay lại phải xoay sang thực hiện yêu cầu mới là “ép” xuống dưới 20%. Với yêu cầu hạn chế tín dụng bất động sản, Vietinbank tin tưởng hoàn toàn có thể kiểm soát được vì tỷ trọng lĩnh vực này trong tổng dư nợ của ngân hàng chỉ ở mức 10%, tương đương khoảng 20.000 tỉ đồng trong năm 2010.

Theo tổng giám đốc ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương Trần Thị Việt Ánh, việc siết tín dụng bất động sản ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng, song mức độ không lớn. “Tôi tin rằng, đại hội cổ đông cũng sẽ thông qua mức điều chỉnh mới”, bà Ánh nói và cho biết thêm, ngân hàng này cũng vừa điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng năm 2010 xuống dưới 20% thay cho mức 23% như kế hoạch trước đó.

Phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa nhận định, xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản phía Nam cũng sẽ lan ra Bắc. Ông Nghĩa phân tích, với quyết định giảm mạnh đầu tư công của Chính phủ, nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ bị ảnh hưởng. Cộng với chính sách tiền tệ thắt chặt, nhất là hạn chế tín dụng bất động sản, thị trường này càng ít cơ hội.

(Theo sgtt)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu