SearchNews

Số vụ khiếu nại tố cáo về đất đai chiếm tỷ lệ cao

26/07/2017 08:11

Trong thời gian qua, số vụ khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai chiếm khoảng 70-75% và cơ quan chức năng còn e ngại trong xử lý “quan”, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Theo bà Hải, lỗi do chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý tồn tại trong rất nhiều vụ khiếu nại tố cáo của người dân về đất đai. Song, việc xử lý trách nhiệm của cán bộ các cấp có sai phạm, buông lỏng quản lý hiện còn rất hạn chế, không công khai và số cán bộ bị xử lý ít.

Buổi làm việc của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện giải quyết tố cáo, khiếu nại của công dân tại tỉnh Bắc Giang tuần trước cho thấy, có rất nhiều vụ khiếu kiện trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, tố cáo, khiếu nại liên quan đến đất đai có xu hướng gia tăng.

Các cấp, các ngành địa phương đã xem xét giải quyết 89,2% tổng số đơn tố cáo, khiếu nại từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017. Tỉnh này đã tổ chức đối thoại với công dân cũng như ban hành thông báo chấm dứt thụ lý, giải quyết đối với phần lớn các vụ việc kéo dài, phức tạp (3/4 vụ việc).

Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, không có vụ việc tố cáo, khiếu nại nào phải giải quyết lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các quyết định giải quyết tố cáo, khiếu nại đã được thực hiện.

Kết quả tích cực trong thực hiện giải quyết tố cáo, khiếu nại của tỉnh Bắc Giang được Đoàn giám sát ghi nhận. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng lưu ý về số lượng đơn khiếu nại có đúng, có sai chiếm 15%, chủ yếu tố cáo cán bộ cơ sở có biểu hiện tham nhũng, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, tài chính, kinh tế, xây dựng, quy chế dân chủ ở cơ sở...

khiếu nại tố cáo về đất đai
Khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai có xu hướng gia tăng.
(Ảnh minh họa)

Cũng theo báo cá này, tỉnh Bắc Giang chỉ xử lý hành chính đối với 45 cá nhân có sai phạm khi giải quyết khiếu nại, xử lý 48 cá nhân có sai phạm khi giải quyết tố cáo. Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội: “Đơn tố cáo của công dân thường liên quan đến thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức nhà nước nên phải xử lý kỷ luật mới đúng quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu của người dân”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội có cùng quan điểm trên. Vị này đánh giá, tuy số lượng đơn tố cáo của người dân trên địa bàn tỉnh không nhiều nhưng số thu hồi về cho Nhà nước sau khi giải quyết các đơn này lại không nhỏ. Trên thực tế, qua giải quyết 354 đơn tố cáo được thụ lý, các cơ quan chức năng đã thu hồi về cho Nhà nước 193.909m2 đất các loại và 337 triệu đồng.

Ông Nhưỡng cho rằng, UBND tỉnh cần báo cáo danh mục cụ thể các cá nhân bị xử lý trong mỗi vụ việc tố cáo, khiếu nại được giải quyết. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Đoàn giám sát, hiện công dân vẫn gửi đơn tố cáo, khiếu nại lên cơ quan cấp trên hoặc cho cơ quan dân cử bởi họ e ngại việc “quan xử quan” khi khởi kiện ra tòa án.

Chính quyền tỉnh Bắc Giang thừa nhận vẫn có một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác xử lý tố cáo, khiếu nại này. Nguyên nhân xuất phát từ chính sách ở các lĩnh vực quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên, đối với người có công... còn bất cập.

Lý do nữa là, các vụ việc xảy ra đã lâu, hồ sơ tài liệu không đủ, tình tiết phức tạp khiến quá trình giải quyết của cơ quan chức năng còn chậm, không dễ thực hiện. Chưa kể, tại một số địa bàn, công tác dân vận chưa được thực hiện tốt.

Vậy nên, UBND tỉnh đề xuất cần hướng dẫn cụ thể về thực hiện Điều 9 Luật Tiếp công dân. Theo đó, cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp trong trường hợp người tố cáo, khiếu nại về vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật, chính sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, kiểm tra, thông báo bằng văn bản nhưng vẫn cố tình tố cáo, khiếu nại kéo dài.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu