SearchNews

Thách thức đô thị châu Á thế kỷ 21

22/08/2011 15:00

Đô thị châu Á đang gặp phải những thách thức lớn vừa mang tính toàn cầu, vừa là hệ quả của sự phát triển từ trong nội tại.

Đô thị châu Á đang gặp phải những thách thức lớn vừa mang tính toàn cầu, vừa là hệ quả của sự phát triển từ trong nội tại.

Việc tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho xu hướng phát triển đô thị ở châu lục này được nhiều diễn giả, kiến trúc sư tham dự Diễn đàn Kiến trúc sư châu Á lần thứ 16 (ARCASIA 16) quan tâm, trong đó, nhiều kiến trúc sư, diễn giả bày tỏ đồng tình với xu hướng kiến trúc hài hòa giữa Đông và Tây vì mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường sống tốt nhất cho con người.

Chưa bao giờ các đô thị ở châu Á lại có tốc độ biến đổi nhanh như hiện nay. Ở nhiều vùng, nhiều quốc gia đã chứng kiến quá trình thay đổi bức tranh không gian kiến trúc truyền thống đến mức gần như mai một đến mức khó ngờ. Trong đó, toàn cầu hóa chỉ là một trong rất nhiều yếu tố tác động mạnh đến quá trình thay đổi đó.

Đô thị trong thế kỷ 21 rõ ràng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cầu về kinh tế, văn hóa, dân số, năng lượng, lương thực…và đặc biệt là những thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu. Nhiều quan điểm cho rằng, xu hướng của đô thị châu Á trong thế kỷ 21 cần phải đảm bảo được tính hài hòa, bền vững, thân thiện trên cơ sở giải quyết tốt những thách thức này.

GS-KTS Trần Trọng Hanh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam: “Tư tưởng phương Đông rất quan trọng, thế kỷ 21 là thế kỷ đô thị chuyển sang phương Đông, kỹ thuật công nghệ châu Âu, văn hóa Á Đông thì chúng ta có thể tìm ra…”.

TS-KTS Phạm Thúy Loan, Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị, Đại học Xây dựng: “Một trong những bản sắc ở châu Á là gắn bó cộng đồng, đa dạng, đa văn hóa. Phải cập nhật, nhưng phải tạo ra một xã hội tương tác. Mục tiêu cuối cùng là phải tạo môi trường sống tốt cho con người, kinh tế phát triển cũng chưa đủ, bên cạnh thành phố phát triển thì phải làm sao để mọi người có thể tiếp cận những gì tốt nhất. Đó là mục tiêu phát triển”.

Thế kỷ 21 được cho là thế kỷ của châu Á. Thế giới cũng sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, kiến trúc đô thị châu Á. Với sự tham gia của cộng đồng kiến trúc sư, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã tạo dựng được những đô thị hiện đại nhưng không làm mất đi bản sắc truyền thống vốn có của mình. Sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ của phương Tây với giá trị văn hóa truyền thống phương Đông cũng chính là nền tảng tạo nên phong cách, nét đặc sắc của nhiều đô thị ở châu Á ngày nay. Cái gọi là “thành phố vĩ đại” đã xuất hiện ở đâu đó với các yếu tố không thể thiếu là: Sự sáng tạo, khả năng tiếp cận, kết nối, tích hợp, sống động, độc đáo và bền vững.

KTS Richard Hawkin, Tập đoàn Norman Forster, Vương quốc Anh: “Cái chính là phải tạo ra được một không gian mới, hài hòa, thân thiện, thuận lợi cho con người, tạo ra những giá trị phục vụ cho mục đích sống tốt nhất của con người trong xây dựng và kiến trúc, hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc… Chúng tôi nhận thấy thời gian gần đây, đã có một số thành phố ở châu Á xử lý tốt vấn đề này với quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo”.

Gần 40 bài phát biểu, hàng trăm ý kiến đóng góp, Diễn đàn ARCASIA 16 đã chứng kiến những thay đổi có tính đa chiều về tư duy phát triển, về cách tiếp cận các vấn đề đặt ra khi tìm kiếm mô hình đô thị châu Á thế kỷ 21. Nói như GS.KTS George Kunihiro, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư châu Á: “Tất cả các quan điểm, dù giống nhau hay trái chiều cùng đều thể hiện một mong muốn chung mà châu Á đang hướng tới là xu hướng kiến trúc hài hòa. Đó cũng là xu hướng kiến trúc cho tương lai bền vững của chúng ta”.

(Theo VTV)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu