Ngày 23.9, UBND TPHCM đã có buổi làm việc về chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại (NOTM) sang nhà ở xã hội (NOXH), chia căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ. Theo tinh thần của buổi làm việc, thành phố tiếp tục không ủng hộ việc chuyển đổi một cách tràn lan bởi những hệ lụy khó lường trong tương lai.
Báo Lao Động số 218 ra ngày 21.9 đã có bài phản ánh về việc DN BĐS bức xúc vì TPHCM chậm cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại (NOTM) sang nhà ở xã hội (NOXH), chia căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ để giải quyết khó khăn theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Lo quá tải hạ tầng
Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, điều kiện để chia nhỏ căn hộ là làm sao đảm bảo 25m2/người. Dựa vào quy định này một số DN cho rằng, dự án của họ đạt được điều kiện này nhưng vì sao thành phố chưa cho chuyển đổi, gây khó khăn cho DN.
Tại buổi làm việc sáng 23.9, sau khi nghe các cơ quan chức năng báo cáo, ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ: “Cái lo của thành phố là về sức nén lên hạ tầng xã hội. Có chắc là 1 căn hộ 50m2 chỉ 2 người ở không. Đừng nói cứ cho xây rồi bao nhiêu người ở thì kệ. 25m2/người là lý tưởng lắm vì thành phố đang phấn đầu tới 17m2/người.Tôi rất lo về vấn đề hạ tầng, áp lực giao thông. Hạ tầng đến năm 2020 chưa chắc lo được mà các đồng chí cứ nén nhà cao tầng trong khu trung tâm. Biết từ đây đến năm 2025 mở đường dự phòng thì cứ xây ở trước nhưng từ đây đến năm 2025 tắc đường thì ai giải quyết? Cứ chỗ nào có đất trống, có chỉ tiêu dân số là cứ xây. Ví dụ, những con đường ở quận Bình Thạnh, hàng loạt nhà cao tầng ven đường cứ cấp nhà đầu tư xây bán rồi dân đi đường nào? Áp lực lại lên chính quyền! Bài toán này nếu ở vùng ven thì có thể giải quyết nhưng trung tâm thì khó. Quận 5 có mật độ dân số cao nhất nước, diện tích 4ha, dân 200.000 người, 4 bệnh viện, 9 trường đại học. Chung cư trên địa bàn quận 10, có khu vực 10 người sinh sống trong căn hộ 30m2... Thậm chí các chung cư mới xây cũng thế”.
Về phía DN, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Cty Quốc Cường Gia Lai được mời đến buổi làm việc thì cho biết: “Dự án ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, chúng tôi xây dựng 30 tầng đã bán rồi, nhưng quá vắng, không ai chịu về ở. DN chịu lỗ từ 20 triệu xuống còn 12 triệu/m2 để hút người thu nhập thấp. Nguyên nhân do việc xin chuyển sang NOXH để người mua được vay ưu đãi lãi suất ưu đãi 6%/năm quá chậm nên nhiều khách hàng thậm chí đã đóng tiền nhưng giờ không đóng nữa và cũng không chịu nhận nhà”.
Đại diện Viện Quy hoạch cho rằng, việc căn hộ 50m2 có 2 người ở không bao giờ có. Chấp nhận cho chuyển NOTM sang NOXH chắc chắn sẽ gây hệ lụy. Dân số sẽ tạo áp lực cho hạ tầng kỹ thuật. Đồng tình quan điểm này, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Chủ tịch UBND quận 2 cho rằng: “Cơ cấu thiết kế mặt bằng mới đáng nói. Vùng ven hay trung tâm đều như nhau cả. Dân số ảnh hưởng đến hạ tầng, tăng lên thì nhà đầu tư đâu có lo, toàn Nhà nước lo hết!”. Ông Khiết đề xuất, đối với những dự án nhà ở xin chuyển đổi phải dựa trên mặt bằng căn hộ, hạ tầng đến nơi để xét từng trường hợp cụ thể. Đại diện UBND quận 8 cũng đồng ý với quan điểm trên.
Chỉ được chuyển đổi khi hạ tầng đảm bảo
Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Hữu Tín bày tỏ một quan điểm khá rõ ràng: “Tạo sự thanh khoản cho thị trường BĐS nhưng phải đồng bộ. Bài toán quy hoạch đô thị không thể theo thị trường. Thực tế 20 năm qua không dãn được nhiều dân ra ngoại thành. Không đơn thuần xây nhà là dân ra ở, nếu ở đó không đảm bảo một kết cấu hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, dù có nhà cao cấp, biệt thự, vì tất cả hạ tầng tập trung trong nội thành thì dân nào mà ra ở? Muốn vậy phải làm đồng bộ sự điều chỉnh về dân cư, tất nhiên không chỉ DN mà Nhà nước cũng phải lo. Nhà nước phải định hướng cho thị trường, không để thị trường lôi kéo rồi đi điều chỉnh”.
Ông Tín cũng đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng, đó là chỉ cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở vùng ven, ngoại thành nhưng ở vị trí hạ tầng đồng bộ. Trong nội thành chỉ xem xét khi đảm bảo hạ tầng giao thông, đảm bảo quy hoạch. Đối với chuyển NOTM sang NOXH phải đảm bảo hạ tầng và thương thảo về giá.
Theo Laodong