Trong những năm gần đây, Bình Dương đã bứt phá, trở thành một tỉnh phát triển mạnh về kinh tế xã hội.
Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng tứ giác kinh tế trọng điểm phía nam, là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước.
Bình Dương là cửa ngõ giao thương với TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước; có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như quốc lộ 13, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á …; cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10 - 15 Km… thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, GDP tăng bình quân khoảng 14%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng cao, năm 2009, tỷ lệ công nghiệp - xây dựng 62,3%, dịch vụ 32,4% và nông lâm nghiệp 5,3%.
Hiện nay, Bình Dương có 28 khu công nghiệp tập trung, hơn 9.600 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 65.000 tỷ đồng; gần 2 nghìn dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 13 tỷ USD.
Theo nguồn tin từ Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC), đơn vị chủ đầu tư của dự án, “thành phố mới Bình Dương” dự kiến có quy mô 1.000 ha, nằm trên địa bàn phường Phú Mỹ, xã Định Hòa thuộc thị xã Thủ Dầu Một, và các xã Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Vĩnh Hiệp thuộc huyện Tân Uyên, và xã Hòa Lợi thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Trung tâm mới
Tháng 4/2010, UBND tỉnh Bình Dương đã làm lễ khởi công xây dựng thành phố mới Bình Dương. Dự án thành phố mới Bình Dương có quy mô 1.000 ha được Chính phủ phê duyệt để trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường.
Khu đô thị này nằm trong dự án Khu liên hiệp Công nghiệp - Dịch vụ và Đô thị Bình Dương, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và được tỉnh ủy, UBND và Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương thống nhất chọn làm trung tâm hành chính tập trung của tỉnh.
Thành phố mới Bình Dương sẽ bao gồm các hạng mục chính như: Trung tâm chính trị - hành chính tập trung; Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế; Khu công nghệ kỹ thuật cao do Tập đoàn Mapletree đầu tư; Trường Đại học Quốc tế Miền Đông với quy mô 24.000 sinh viên; Trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng; Văn phòng làm việc loại A; Khu ở cao cấp... nhằm phục vụ cho 125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc.
Hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao cũng sẽ được đầu tư xây dựng, kết nối với TP.HCM và khu vực chung quanh nhằm rút ngắn thời gian và khoảng cách giữa trung tâm thành phố Bình Dương với các trung tâm kinh tế khác, đặc biệt với TP.HCM.
Dự kiến từ nay đến năm 2020, tổng vốn đầu tư cho trung tâm thành phố mới Bình Dương là hơn 150.000 tỉ đồng. Hiện đã có 20 tập đoàn và các công ty lớn cam kết đầu tư vào trung tâm thành phố mới Bình Dương.
Công Học