Thủ tướng giao UBND TP HCM tiếp thu ý kiến của các Bộ và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức nghiên cứu lập, thẩm định và phê duyệt bảo đảm các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng và phát triển bền vững.
Đồng thời cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2030, trình duyệt theo quy định.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, UBND TP HCM xem xét quy mô Dự án đầu tư Khu đô thị lấn biển Cần Giờ bảo đảm phù hợp với quy hoạch, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, UBND TPHCM đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương về quy mô nghiên cứu lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ từ 600 ha lên 1.000 ha.
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phần diện tích Khu du lịch lấn biển (cũ) tại huyện Cần Giờ có quy mô diện tích khoảng 600 ha.
Căn cứ kết quả nghiên cứu khoa học về điều kiện tự nhiên, tác động môi trường tự nhiên của việc lấn biển, hạ tầng xã hội tại khu vực, đặc biệt có thể bảo vệ nghiêm ngặt khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 75.000 ha, UBND TP HCM đề xuất mở rộng thêm diện tích lấn biển 480 ha, nâng quy mô nghiên cứu lập quy hoạch lên 1.080 ha.
Vị trí khu vực quy hoạch nói trên thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, phía Đông, Tây và Nam giáp biển Đông, phía Bắc một phần giáp đường Duyên Hải, một phần giáp đường dọc Biển Đông 1.
Tổng diện tích khu vực quy hoạch là 1.301 ha, bao gồm khu du lịch 30/4 (221 ha), khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (1.080 ha, gồm đất lấn biển 880 ha và mặt nước, bãi biển 200 ha).
Dự báo quy mô dân số khu đô thị du lịch lấn biến Cần Giờ khoảng 101.600 người.
Theo đề xuất của Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ, các chức năng cơ bản trong khu vực lập quy hoạch gồm: khu ở, khu phức hợp và văn phòng, khu thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, khu công nghệ cao, khu phim trường, khu trung tâm hội nghị kết hợp du lịch, khu du lịch, nghỉ dưỡng (khách sạn, resort), khu công trình hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện…) và khu cây xanh sử dụng công cộng.
Khu vực tiếp giáp biển, các sông, kênh, rạch, phát huy ưu thế địa hình mặt nước, tạo không gian mở hài hòa với cảnh quan chung tại khu vực; phát triển mô hình nhà vườn thấp tầng với mật độ xây dựng thấp, các công trình cao tầng được bố trí lùi dần phía sau theo nguyên tắc cao dần về phía bên trong so với biển, sông, kênh, rạch.