SearchNews

Tìm vốn cho giao thông đô thị Hà Nội

25/06/2010 22:15

Phát triển hệ thống vận tải công cộng, cụ thể là giải quyết vấn đề vốn cho vận tải công cộng là nhiệm vụ chính để có một tương lai bền vững cho giao thông đô thị Hà Nội.

Phát triển hệ thống vận tải công cộng, cụ thể là giải quyết vấn đề vốn cho vận tải công cộng là nhiệm vụ chính để có một tương lai bền vững cho giao thông đô thị Hà Nội.

“Phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội” là chủ đề hội thảo quốc tế ngày 25/6 do Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức.

Cần khắc phục nhiều bất cập

Là thủ đô với lịch sử 1000 năm, mặc dù mạng lưới đường bộ thường xuyên được mở rộng và xây dựng mới, nhưng hiện tại Hà Nội chỉ có 8.489 km đường giao thông, không đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị và sự gia tăng chóng mặt của các loại phương tiện.

Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá thấp, mới chiếm 6-7% diện tích đất đô thị, trong khi cơ cấu phương tiện thời gian qua thay đổi theo hướng đáng lo ngại với số xe máy gia tăng nhanh chóng và hiện chiếm 70% tổng số phương tiện, trong khi lượng xe ô tô con phát triển với tốc độ 10-14%/ năm.

Hai điểm yếu khác của giao thông Hà Nội là hệ thống điểm đỗ xe vừa thiếu vừa kém chất lượng và hệ thống giao thông công cộng mới đáp ứng dưới 10 % nhu cầu đi lại.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sở dĩ có tình trạng trên là Hà Nội đang thiếu một quy hoạch tổng thể và đồng bộ về phát triển giao thông đô thị phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải chưa gắn với quy hoạch phát triển sử dụng đất dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong phát triển giao thông đô thị thời gian qua.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi cho rằng để phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội thì nhiệm vụ chính là phát triển hệ thống vận tải công cộng, đi liền với các biện pháp giảm vai trò của vận tải cá nhân.

Cụ thể, cần có nhiều xe buýt hơn, xây dựng các nút giao đa phương thức kết nối với tàu điện ngầm và tất cả các nhà ga phải được kết nối với mạng lưới xe buýt.

Ngoài ra cần quy hoạch đủ quỹ đất đô thị cho phát triển giao thông, và trong đó ưu tiên cho giao thông công cộng.

Cần huy động vốn từ nhiều nguồn

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đồng tình rằng để đạt mục tiêu đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 55% nhu cầu thì Hà Nội phải xây dựng được hệ thống giao thông công cộng có sức cạnh tranh, dễ tiếp cận.

Trong khi các dự án vận tải bánh sắt chưa được triển khai thì trong các năm tới, cần tiếp tục duy trì phát triển và hiện đại hóa hệ thống xe buýt, đẩy mạnh xã hội hóa các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ này.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, khó khăn nhất hiện tại là thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là các loại hình vận tải bánh sắt.

Được biết, nhu cầu vốn cho phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2020 vào khoảng 18 tỷ USD, trong đó vốn cho phát triển đường sắt đô thị 9 tỷ USD. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, cần xem xét huy động vốn từ các nguồn vốn ODA, vốn FDI và hợp tác công - tư (PPP).

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ đang phối hợp với UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành liên quan để triển khai các dự án phát triển giao thông ở Thủ đô như các hệ thống đường vành đai, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị.

Cũng theo ông Hồ Nghĩa Dũng, để có một Hà Nội hiện đại trong tương lai, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, quy hoạch chi tiết tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông và đặc biệt chú ý cả đến điều kiện cơ sở hạ tầng dành cho người đi bộ.

(Theo Chinhphu.vn)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu