SearchNews

Tôn vinh ẩm thực qua mở rộng không gian phố đi bộ

30/06/2013 22:17

Mở rộng không gian phố đi bộ sang khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội sẽ tôn vinh giá trị văn hóa tiểu biểu của khu phố cổ - Văn hóa ẩm thực “Kinh kỳ”...

Mở rộng không gian phố đi bộ sang khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội sẽ tôn vinh giá trị văn hóa tiểu biểu của khu phố cổ - Văn hóa ẩm thực “Kinh kỳ” và từng bước mở rộng tuyến phố đi bộ thành không gian đi bộ kết hợp phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ.

Tháng 6/2013, UBND Quận Hoàn Kiếm đã đề nghị UBND TP Hà Nội chính thức cho phép Công ty Cổ phần Đồng Xuân, đơn vi xây dựng Đề án Mở rộng không gian phố đi bộ sang khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội được triển khai theo Đề án đã xây dựng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân cho biết, Đề án được xây dựng với mục tiêu từng bước mở rộng tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân thành không gian đi bộ nhằm tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội. Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện cho các nghệ nhân, các doanh nghiệp, hộ gia đình phát huy nghề ẩm thực truyền thống, góp phần đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch của quận và thành phố.

Mở rộng thêm 6 tuyến phố

Các tuyến phố được đề nghị mở rộng thành không gian đi bộ thuộc hai phường Hàng Buồm và Hàng Bạc bao gồm: Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ. Thời gian hoạt động vào 3 tối hàng tuần (thứ sáu, thứ bảy, Chủ nhật), mùa hè từ 19h đến 24h, mùa đông từ 18h đến 24h.

Được xây dựng từ tháng 7/2009, theo đó, hiệu quả xã hội của Đề án là tổ chức tuyến phố đi bộ sang khu vực bảo tồn cấp I sẽ kết nối với tuyến đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân tạo thành một không gian đi bộ rộng hơn phù hợp với chủ trương của thành phố về mở rộng không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ngoài ra, sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thương mại, dịch vụ của quận theo hướng văn minh, hiện đại, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Ông Thủy cho biết, hiện tổng số dân cư các tuyến phố mở rộng khoảng hơn 10.000 người, chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống, thương mại, du lịch. Riêng khu phố Tạ Hiện đa phần là kinh doanh ăn uống. Hiện có 159 cửa hàng trên các tuyến phố, trong đó có 47 cửa hàng kinh doanh ăn uống, chưa kể người kinh doanh buôn bán trên vỉa hè buổi tối.

Các tuyến phố được đề nghị mở rộng vốn có truyền thống lâu đời về ẩm thực, chủng loại phong phú từ các món ăn của người Việt, người Hoa đã và đang thu hút, đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch, đặc biệt là lượng khách nước ngoài đến Hà Nội.

Theo ông Thủy, do chưa được quy hoạch một cách có hệ thống nên các hàng ăn, giải khát hiện tự sắp xếp tùy tiện, có hiện tượng chèo kéo khách gây hình ảnh phản cảm với du khách. Do vậy, việc quy hoạch, quản lý các khu dịch vụ ăn uống phục vụ du khách là cần thiết, theo hướng văn minh, lịch sự trên cơ sở gìn giữ bảo tồn nét văn hóa ẩm thực truyền thống lâu đời của khu phố cổ.

Phương án phân luồng giao thông cũng đã được xây dựng để đảm bảo cho tuyến phố hoạt động, việc phân luồng giao thông và bố trí các điểm giao thông tĩnh nhằm giảm tải số lượng phương tiện giao thông gây ùn tắc trong những ngày hoạt động. Barie chắn đường được đặt tại 8 chốt và thêm 6 điểm giữ xe phục vụ tuyến phố ngoài 8 điểm hiện tại. Mỗi tuyến phố cũng có một đội quản lý toàn diện cả về an ninh trật tự và hoạt động kinh doanh.

Ông Thủy cho biết, trong quá trình xây dựng Đề án, quận đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các cấp quản lý tại các phường và tổ chức cuộc họp với tất cả các hộ làm kinh doanh trên các tuyến phố. Nói chung, người dân đồng tình ủng hộ với việc khôi phục lại giá trị văn hóa truyền thống của các khu phố nói trên, các nghệ nhân cũng có điều kiện quay về mở các cửa hàng đặc sản trên các tuyến phố này.

Trong quá trình xây dựng, Đề án cũng được lấy ý kiến của của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố, Sở tài chính để hoàn thiện Đề án mở rộng không gian phố đi bộ. Được biết, UBND TP Hà Nội đã giao các sở nghiên cứu đề xuất này và báo cáo thành phố trong thời gian sớm nhất.

Hiện Hà Nội đã có 3 tuyến đường, phố được thí điểm thành phố đi bộ 24/24 giờ, gồm: phố Chùa Một Cột (từ phố Bà Huyện Thanh Quan - Ông Ích Khiêm); phố Ông Ích Khiêm (từ phố Lê Hồng Phong - phố Chùa Một Cột); đường Hùng Vương (từ phố Lê Hồng Phong - khu vực Quảng trường).

Riêng tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào chỉ mới triển khai đi bộ vào ban đêm, sau 18h vào các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.

Theo Chinhphu.vn

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu