Nhiều tháng nay, hệ thống các kênh thủy lợi trên địa bàn TPHCM xuất hiện các dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng.
Nhiều tháng nay, hệ thống các kênh thủy lợi trên địa bàn TPHCM xuất hiện các dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngày 9/4, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM đã làm việc với Sở NN-PTNT về vấn đề các doanh nghiệp (DN) xả nước ô nhiễm vào kênh Thầy Cai, An Hạ, rạch Tra và kênh rạch Long An.
Ông Đoàn Văn Hùng, Công ty TNHH MTV Khai thác và Quản lý dịch vụ thủy lợi TP (Công ty Thủy lợi), cho biết nhiều tháng nay, hệ thống các kênh thủy lợi khu vực Hóc Môn - Bắc Bình Chánh xuất hiện các dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng: nước đen tuôn theo từng đợt, bốc mùi hôi thối…
Tổ chức kiểm tra, Công ty Thủy lợi phát hiện nhiều cơ sở sản xuất như: Công ty TNHH Thương mại Nhất Trí (Củ Chi), Công ty TNHH Sản xuất Phước Đạt (Hóc Môn), Công ty Cao su Thành Công, KCN Tân Phú Trung, KCN Linh Trung III… xả thải không đạt quy chuẩn, thậm chí chưa qua xử lý vào hệ thống thủy lợi. Trong đó có KCN Lê Minh Xuân, mặc dù chưa có giấy phép xả thải nhưng đơn vị này vẫn đều đặn xả vào hệ thống thủy lợi.
Hệ thống kênh Hóc Môn - Bắc Bình Chánh không chỉ đảm nhiệm việc tưới tiêu cho hơn 9.000 ha đất nông nghiệp của TP mà còn bảo đảm cho công tác điều tiết nước, phòng chống cháy rừng.
“Khi nguồn nước ô nhiễm, để hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng canh tác của nông dân, Công ty Thủy lợi sẽ đóng các cửa cống để ngăn ô nhiễm nhưng ngược lại, nguồn nước tưới tiêu không đủ, đất rừng không đủ độ ẩm dễ gây cháy và cũng thiếu nước để phòng chống cháy rừng” - ông Hùng phân tích tác hại.
Bên cạnh các DN đóng trên địa bàn TPHCM, “đầu độc” hệ thống thủy lợi còn có sự tham gia của nhiều tỉnh bạn: cơ sở giết mổ gia súc huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), KCN Xuyên Á, KCN Hạnh Phúc (Long An)… Do đó, ông Tạ Văn Chính, Phó Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT, đề nghị Sở TN-MT ngoài việc kiểm tra, xử lý các DN đóng trên địa bàn TP, cần thông báo đến cơ quan chức năng tỉnh bạn phối hợp xử lý.
Kết thúc buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở TN - MT, đề nghị các công ty dịch vụ thủy lợi hỗ trợ sở bằng cách tiếp tục theo dõi các DN có nguy cơ vi phạm xả thải cao, hai bên sẽ thành lập một đường dây nóng để phối hợp kiểm tra đột xuất. Sở TN-MT cũng tiến hành kiểm tra các DN mà Công ty Thủy lợi đã phản ánh và có công văn gửi đến các Sở TN-MT, Sở NN-PTNT của các tỉnh liên quan đề nghị phối hợp kiểm tra.
Ông Đoàn Văn Hùng cho biết việc các DN “đầu độc” hệ thống thủy lợi như hoạt động có chu kỳ. “Năm nào, chúng tôi cũng có công văn kiến nghị đến các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra xử lý nhưng vẫn chưa hiệu quả. Để xử lý được triệt để vấn đề này, các sở ngành cần có biện pháp mới và đột phá hơn”- ông Hùng nói.
(Theo NLĐ)