Ngày 11/7, tại buổi làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố, UBND TP HCM đã trình 8 tờ trình, trong đó có tờ trình về thu phí trông giữ xe.
Theo đề xuất của UBND TP HCM, mức phí trông giữ xe máy sẽ tăng 1.000-2.000 đồng một lượt đối với từng địa điểm cụ thể, ôtô sẽ tăng từ 2-2,5 lần theo hướng càng vào khu trung tâm mức phí càng cao.
Trong đó nhóm 1 là tại các trường học và bệnh viện. Nhóm 2 tại các chợ, siêu thị, chung cư hạng 3-4, cửa hàng kinh doanh dịch vụ và các cơ quan tổ chức (trừ cơ quan hành chính nhà nước là không thu). Nhóm 3 là tại các chung cư hạng 1-2, vũ trường, nhà hàng, rạp hát, các chợ lớn, chợ đầu mối và trung tâm thương mại phức hợp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Tuyến - Phó ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố cho biết, sau khi thẩm tra tờ trình đã kiến nghị điều chỉnh thu phí trông giữ xe tháng của nhóm 2 các loại xe đạp, xe đạp điện và xe máy. Theo đó, giá giữ xe tháng của xe đạp, xe đạp điện giữ nguyên 30.000 đồng (UBND thành phố đề xuất tăng lên 50.000 đồng/tháng). Còn xe máy (xe số và xe tay ga) dưới 175 phân khối giữ nguyên 100.000 đồng một tháng (UBND thành phố đề xuất tăng 150.000 đồng).
Còn những mức thu khác HĐND thành phố đã đồng ý với đề xuất của UBND thành phố. Tuy nhiên, ông Tuyến cũng đề nghị UBND thành phố kiên quyết xử lý bãi giữ xe không phép và bãi giữ xe thu quá quy định.
Đối với ôtô, thì căn cứ vào khu vực quận, huyện theo hướng tăng dần từ ngoại thành vào trung tâm thành phố và mức phí ban đêm sẽ cao gấp đôi so với ban ngày. Cụ thể, xe ôtô dưới 10 chỗ tại quận 1, 3, 5 sẽ có mức thu ban ngày là 20.000 đồng (mức thu hiện nay là 5.000-7000 đồng, không phân biệt ngày đêm), các quận còn lại là 15.000 đồng. Ngoài ra, phí giữ ôtô sẽ có mức thu tăng tùy từng loại xe và chất lượng dịch vụ. Ôtô trên 10 chỗ thì tăng thêm 5.000 đồng so với giá giữ xe ôtô dưới 10 chỗ.
Sở dĩ UBND thành phố đề xuất tăng mức phí giữ xe vì mức phí giữ xe hiện nay không còn phù hợp với thực tế và qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các bãi giữ xe thu quá quy định. Đặc biệt, tại quận 1 có nhiều nơi thu 5.000-10.000 đồng đối với xe máy (giữ theo tháng lên đến 170.000-250.000 đồng).
Tại cuộc họp ngày 11/7, UBND thành phố cũng trình Hội đồng 7 tờ trình khác gồm đặt tên đường mang tên 3 vị cố lãnh đạo cao cấp Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ và Trần Văn Giàu; tờ trình về một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo; tờ trình về mức thu vận động, đóng góp, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh; tờ trình về ban hành mức thu và sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô...
Về tờ trình mức thu vận động, đóng góp, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đề xuất đối với các quận mức thu đóng góp tối đa 10.000 đồng một hộ gia đình trong một tháng. Còn ở các huyện, mức thu tương ứng là 7.000 đồng. Đối với các cơ quan và tổ chức kinh doanh cá thể, mức thu từ 15.000 đồng trở lên và từ 50.000 đồng trở lên đối với các tổ chức, cơ quan khác. Hiện nay, mức thu quỹ quốc phòng - an ninh chưa thống nhất, nơi thấp nơi thu cao.
Cũng tại kỳ họp lần này, UBND thành phố đã không trình Hội đồng nhân dân đề án thu học phí đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Vì thế, năm học 2012 - 2013, học phí vẫn giữ nguyên.
Hiện nay phí trông giữ xe đạp, xe máy và ôtô ở TP HCM vẫn thu theo mức quy định từ đầu năm 2006. Giá trông giữ xe tại bệnh viện, trường học, công sở và chung cư là 500 đồng/lượt/ngày và 1.000 đồng/lượt/đêm. Tương tự, xe máy phí 1.000 và 2.000 đồng. Còn tại các khu vui chơi, giải trí, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, nhà hàng, khách sạn, vũ trường và rạp hát được thu phí tăng thêm 1.000 đồng so với quy định trên.
Đối với ôtô, mức thu phí theo lượt được quy định gồm loại 4 chỗ là 5.000 đồng/lượt, 4 đến 15 chỗ là 7.000 đồng/lượt, còn trên 15 chỗ có mức thu 10.000 đồng/lượt.
|
(Theo VnExpress)