SearchNews

TP HCM - TT thương mại của ĐNÁ

29/01/2007 09:26

TP HCM sẽ là một thành phố mở với nhiều đô thị vệ tinh. 14 cây cầu dành cho đường bộ và sắt sẽ được bắc qua sông Sài Gòn, cùng với 2 đường hầm vượt sông qua Thủ Thiêm cho tàu điện ngầm và đường bộ. Cũng như 30 năm về trước, TP HCM muốn trở lại danh tiếng "Hòn ngọc Viễn Đông".

TP HCM sẽ là một thành phố mở với nhiều đô thị vệ tinh. 14 cây cầu dành cho đường bộ và sắt sẽ được bắc qua sông Sài Gòn, cùng với 2 đường hầm vượt sông qua Thủ Thiêm cho tàu điện ngầm và đường bộ. Cũng như 30 năm về trước, TP HCM muốn trở lại danh tiếng "Hòn ngọc Viễn Đông".  

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và sau thời điểm này của TP HCM vừa được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, trong tương lai, thành phố mang tên Bác sẽ trở thành đô thị trung tâm cấp quốc gia và kỳ vọng là trung tâm thương mại - dịch vụ lớn ở khu vực Đông Nam Á.

Dự kiến trong 15 năm nữa, thành phố sẽ có những con đường cao tốc có năng lực thông xe lớn như tuyến TP HCM đi Vũng Tàu, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - Đà Lạt... Các đường vành đai cấp 1 cũng sẽ được cải tạo thành đường đô thị cấp 1; đường vành đai 3 xây dựng theo các điểm khống chế; đường vành đai 4 biến thành đoạn nối các đô thị vệ tinh của thành phố theo hướng Đông và Bắc.

Để đáp ứng các trục giao thông có lưu lượng lớn, theo quy hoạch, thành phố sẽ tập trung xây dựng đường trên cao, tàu điện ngầm và hệ thống đường sắt. Có 4 tuyến đường trên cao liên thông với nhau, sẽ được xây dựng trong những năm tới, cùng với hệ thống tàu điện ngầm gồm 6 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố.

Nhiều tuyến đường sắt mới được xây dựng như một phương án chia bớt ùn tắc giao thông ra vào thành phố. Trong đó có tuyến đường sắt mới từ TP HCM mở lên hướng Tây Bắc nối thành phố với Lộc Ninh, Campuchia nương theo đường Xuyên Á; một hệ thống đường sắt vành đai phía Tây từ ga An Bình đến Mỹ Tho, Cần Thơ cũng sẽ được xây dựng.

Về phía Đông, trong tương lai, Khu đô thị Cảng Hiệp Phước, Cần Giờ, Cát Lái sẽ phát triển mạnh nên dự kiến, sẽ có một tuyến chuyên dụng nối từ đường sắt quốc gia tới từng khu vực này. Trong nội đô sẽ quy hoạch các tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm cho chạy tàu ngoại ô và 2 tuyến đường sắt nhẹ khác.

Đối với mạng giao thông đường thủy và hệ thống cảng biển, cảng sông, TP HCM chủ trương cải tạo lại các luồng sông cũ như Lòng Tàu, Soài Rạp, nâng cấp các luồng tàu sông còn lại. Thành phố cũng xây mới cảng sông Nhơn Đức nhằm đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long về qua cụm cảng biển Hiệp Phước.

Lượng khách qua lại cảng sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến cũng đạt hơn 10 triệu lượt khách/năm. Đến năm 2020, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới.

Về mặt quy hoạch xây dựng, TP HCM đứng trước 3 xu hướng phát triển:

- Hướng tâm (tập trung): ưu tiên phát triển nội thành TP HCM, các điểm đô thị hóa chung quanh chỉ là các thành phố vệ tinh.

- Ly tâm (lan tỏa): từ lõi trung tâm, thành phố tỏa ra các điểm đô thị mới, hình thành dọc theo các trục lộ giao thông chính.

- Đa trung tâm (vệ tinh dạng đối trọng): TP HCM vẫn là thành phố chính, nhưng sẽ xuất hiện nhiều thành phố đối trọng được xác định và tăng cường chức năng bổ sung.

Từ kinh nghiệm phát triển các thành phố châu Á hiện nay, TP HCM sẽ được bố trí theo mô hình “đa trung tâm”với các lợi thế:

- Hình thành được một mạng lưới các trung tâm, trong đó mỗi trung tâm sẽ thực hiện các chức năng riêng biệt có tác dụng bổ sung cho nhau.

- Duy trì các đặc điểm riêng và tránh việc phát triển tự phát bừa bãi.

- Tránh phát triển về các vùng đất không thích hợp, ví như các hướng nam, đông nam đất đai trũng thấp tại TP HCM.

Theo các chuyên gia Nhật, cần phát triển thêm những “đô thị vệ tinh” và các “đô thị mới” ở ngoại thành TP HCM nhằm san sẻ bớt gánh nặng phát triển của khu vực trung tâm. Theo họ, cấu trúc của TP HCM hiện nay là quá đậm đặc với 60% dân số và các dịch vụ tiên tiến tập trung ở các quận trung tâm. Cần phân tán bớt dân cư và sản xuất ra bên ngoài.

Về mặt quản lý hành chính và phát triển kinh tế, TP HCM sẽ phải phát triển hài hòa cùng các trung tâm đô thị trong khu vực, tránh việc hình thành một thành phố dạng “siêu đô thị” vô hồn mà một số thành phố lớn khác ở châu Á đang mắc phải. Phương hướng quy hoạch đó cũng giúp hình thành được các thành phố với chức năng bổ sung.

Theo mô hình này, TP sẽ hình thành việc quản lý phân cấp, gồm cấp vùng đô thị (metropolitan), đô thị lõi trung tâm, đô thị đối trọng, đô thị vệ tinh, thị trấn nông nghiệp ngoại thành và phụ cận... Mặt khác, việc quản lý một thành phố lớn và hiện đại như TP HCM chắc chắn không thể áp dụng mãi mô hình quản lý kiểu tỉnh lỵ vùng nông nghiệp. Guồng máy hành chính phải cải tổ toàn diện theo hướng đô thị hiện đại thế giới.

Ranh giới nội thành TP HCM nên nằm trong vành đai xa lộ Đại Hàn (hoàn chỉnh bằng đường Nguyễn Văn Linh xuyên qua Nam Sài Gòn, nối sang Thủ Thiêm với một cây cầu mới bắc sang sông Sài Gòn). Trong tương lai sẽ thực hiện thêm các vành đai khác như đã từng được đề xuất trong phương hướng phát triển vùng trọng điểm kinh tế phía Nam cách đây nhiều năm.

Mặt khác, kinh nghiệm Singapore, Hong Kong cho thấy đô thị hiện đại không nhất thiết cứ mãi lan tỏa ra đất mới ngoại thành, kiểu dàn trải chia lô bán đất làm nhà phố thấp tầng như hiện nay, mà tập trung lên cao tầng trong phạm vi nội thành hiện có. TP HCM cũng có thể hình thành một vành đai rừng và nông nghiệp phân cách khu vực nội thành TP HCM với các thành phố vệ tinh và đối trọng chung quanh.

(Theo VnExpress, Tuổi Trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu