UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đề xuất dự án xây dựng, triển khai tuyến vận chuyển khách công cộng bằng đường sông của Công ty TNHH Thường Nhật.
Đây được coi là tín hiệu tốt cho việc phát triển giao thông thủy tại TP.HCM, nhằm chia sẻ gánh nặng cho giao thông bộ vốn đã quá tải từ nhiều năm nay.
Ngay sau khi được chấp thuận chủ trương, Công ty TNHH Thường Nhật đã bắt tay vào nghiên cứu, lập dự án về 2 tuyến buýt này. Về cơ bản, tuyến số 1 sẽ khởi hành từ bến Bạch Đằng đi qua các quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức. Tuyến số 2 từ bến Bạch Đằng đi qua các quận 4, 5, 6 và 8. Cả hai tuyến đều có lộ trình khoảng 11km, thời gian đi 1 chiều là 30 phút với 17 bến đón, trả khách.
TP.HCM có một hệ thống sông, rạch khá lớn, 112 tuyến với tổng chiều dài gần 1000km. Tuy nhiên trong thời gian qua, các tuyến đường thủy chủ yếu phục vụ vận chuyển hàng hóa, còn vận chuyển hành khách công cộng và du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Cũng với một hệ thống sông ngòi tương tự, thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã qui hoạch và phát triển vấn đề này từ lâu, góp phần rất lớn giải quyết bài toán giao thông đô thị.
Trong khi đó, việc phát triển giao thông công cộng bằng đường sông lại hoàn toàn phù hợp với qui hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực TP.HCM, khi mà cảng Ba Son, Tân Cảng, cảng Sài Gòn đã và đang trong quá trình di dời ra cảng Hiệp Phước và cảng Cát Lái.
Như vậy, việc đầu tư các hình thức buýt trên sông được xem là một phương thức vận tải mới nhưng có tính khả thi cao. Vấn đề còn lại hiện nay là trên địa bàn thành phố có nhiều cây cầu với độ tĩnh không quá thấp cần phải điều chỉnh, cũng như việc nghiên cứu các bến đón, trả khách sao cho phù hợp với kết cấu giao thông đường bộ, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.
(Theo baoxaydung)