Chiều ngày 28/11, HĐND Tp.HCM đã thực hiện giám sát tình hình triển khai Nghị quyết 16 về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị tại UBND Tp.HCM.
Về cơ bản, trên địa bàn Tp.HCM đã phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 tính đến thời điểm hiện tại. Theo đó, diện tích các khu vực đô thị chiếm khoảng 93%, gồm 600 đồ án có tổng diện tích hơn 88.000 ha. Sau báo rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000, UBND Tp.HCM đã xác định được một số khu vực quy hoạch thiếu tính khả thi, chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân hoặc không còn phù hợp với tình hình hiện tại.
Quy hoạch một số khu vực trên địa bàn Tp.HCM
Do vậy, UBND Tp.HCM chấp nhận chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch 115 đồ án, tổng diện tích điều chỉnh gần 16.500 ha; điều chỉnh cục bộ 402 khu vực quy hoạch, tuyến đường giao thông, tổng diện tích điều chỉnh 766,6 ha. Đồng thời, TP đã hủy bỏ quyết định giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577 dự án chậm triển khai với tổng diện tích gần 6.000 ha; điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích của 10 dự án với tổng diện tích 33,84 ha.
Cũng trong buổi giám sát, các đại biểu đã nêu lên những vấn đề mà cử tri quan tâm, bức xúc như quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng diễn ra chậm trễ; sự bất cập trong công tác quy hoạch và thẩm định quy hoạch; nhiều dự án chậm triển khai chưa được xử lý triệt để, dẫn tới tình trạng khiếu kiện.
Nhiều đại biểu đề cập tới vấn đề người dân nhận nhà tái định cư nhưng chuyển nhượng lại. Nguyên nhân được xác định là do chất lượng nhà tái định cư không đảm bảo, việc ổn định cuộc sống sau tái định cư khó khăn do chưa tạo được công ăn việc làm cho người dân tại nơi ở mới và chưa có quy hoạch về phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã giải đáp các câu hỏi nêu trên. Ông cho biết, nguyên nhân do công tác đền bù, giải tỏa hiện nay có nhiều yếu tố phức tạp. Tp.HCM cũng đã có chính về việc làm và đào tạo nghề nhằm hỗ trợ cho người dân, đồng thời thực hiện giá bồi thường theo cơ chế hiện nay. Một số trường hợp triển khai chậm, kéo dài nhiều năm khiến người dân bức xúc và khiếu kiện đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu hướng giải quyết dứt điểm. Cũng theo ông Tuyến, về vấn đề này cần phải có một cơ quan quyết định bởi đây là vấn đề phức tạp. Càng về sau, nhà nước đã thay đổi chính sách và có những quy định chặt chẽ hơn nên tình hình khiếu kiện của người dân có giảm đi.