Đi tìm nhà ở TPHCM hiện nay rất khó khăn, nhất là tại các quận mới, khu đô thị mới xây dựng. Chẳng những tên đường phố trùng lặp, mà số nhà cũng tạo cảm tưởng không theo một trật tự nào cả.
Dĩ nhiên nay quy mô thành phố đã quá lớn, số nhà không thể đánh theo kiểu Sài Gòn cũ từ thời Pháp cách đây cả thế kỷ, vào thời kỳ mà thành phố chỉ hạn hẹp trong vài ki lô mét.
Thật ra loại thành phố quy hoạch theo kiểu phương Tây như TPHCM, chia theo ô vuông bàn cờ nên cũng không khó đánh số. Thành phố nào cũng có 2 trục chính đông - tây, bắc - nam phát xuất từ trung tâm thành phố. Các con đường chính xác định các khối phố. Trong khối phố lại chia nhỏ thành khuông đất xây nhà được đánh số. Số nhà cứ theo thứ tự đó mà ghi. Nếu khuông đất đó chưa xây nhà thì cứ nhảy số, không cần phải liên tục. Nếu trên khuông đất sau này nhà xây chen thêm vào thì cho số “bis”.
Do vậy mà khi ta giở một bản đồ thành phố phương Tây ra, ta dễ dàng tìm số nhà do có ghi số nhà đầu từng khối phố. Số nhà cứ thế lớn dần theo hướng. Số nhà sẽ phù hợp với khoảng cách của căn nhà với khởi điểm của con đường đến nhà đó. Chọn phương pháp phân số nhà kiểu các thành phố Bắc Mỹ này là hợp lý nhất.
Người Pháp xưa khi xây mới lại Sài Gòn, họ xóa sạch dấu vết thành Gia Định cũ, đặt ra 2 trục đường mới, tuy to lớn mà quá ngắn (các đường Lê Duẩn và Đồng Khởi). Các trục Nguyễn Huệ và Lê Lợi cũng tương tự. Họ đã không áp dụng cách phân số nhà phát xuất từ các trục đường chính bắc - nam, đông - tây kiểu Anh, Mỹ mà dựa theo khởi điểm là mốc bờ sông hoặc từ một công viên, công trình kiến trúc lớn. Ví như ở Sài Gòn lấy bờ sông Sài Gòn và Sở thú. Thành phố sau mở lớn ra lại rất khó đánh số nhà.
Tại TPHCM hiện nay, đối với các quận nội thành cũ ta nên chọn 2 trục đường chính là Hai Bà Trưng và Nguyễn Thị Minh Khai. Đó chính là phục hồi lại các trục đường lịch sử của thành Gia Định có từ thời nhà Nguyễn cuối thế kỷ 18. Đối với các khu đô thị mới, có thể đánh theo thứ tự “số” hoặc a, b, c..., không nhất thiết phải dùng tên danh nhân.
(Theo CA TPHCM)