Khi có tuyến đường sắt trên cao này, thời gian đi từ Giáp Bát đến Gia Lâm chỉ mất 23 phút, thay vì gần 2 tiếng đồng hồ như hiện nay.
Tuyến đường sắt trên cao từ Ngọc Hồi đến Giáp Bát, từ Giáp Bát đến Gia Lâm và từ Gia Lâm đến Yên Viên vừa được triển khai lập dự án chi tiết kỹ thuật.
Dự kiến đến cuối năm 2016, một phần của dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hà Nội sẽ có thêm một cây cầu Long Biên mới. Sẽ có 1.711 hộ dân phải di dời để phục vụ dự án, tổng diện tích thu hồi GPMB là 125 ha...
Hoàn Kiếm, Đống Đa, Long Biên di dời nhiều dân nhất
Lễ ký kết hợp đồng dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) với gói thầu Tư vấn kỹ thuật chính thức được ký kết hôm 9/9 giữa Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam và liên danh JKT gồm một loạt các công ty hàng đầu của Nhật Bản và Việt Nam.
Bắt đầu từ ngày 10/9, các công việc như khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu cho công việc xây dựng và cung cấp hàng hoá, thiết bị cho dự án; hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư... được triển khai. Ngay sau khi dự án hoàn thành, sẽ cung cấp hệ thống giao thông trong đô thị bằng đường sắt trên cao, giúp giảm tắc nghẽn giao thông.
Khi có tuyến đường sắt trên cao này, thời gian đi từ Giáp Bát đến Gia Lâm chỉ mất 23 phút, thay vì gần 2 tiếng đồng hồ như hiện nay. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ xây dựng tổ hợp khu ga Ngọc Hồi; xây dựng các kết cấu công trình và đường sắt trên cao đoạn Giáp Bát – Gia Lâm; cung cấp và lắp đặt thiết bị cho hệ thống thông tin, tín hiệu, điện khí hoá và cung cấp năng lượng; mua sắm các đoàn tàu đô thị chạy điện EMU. Việc xây dựng cầu Long Biên mới cũng được thực hiện trong giai đoạn 1.
Chiều dài đoạn Giáp Bát - Gia Lâm thuộc giai đoạn 1 là 15,36 km với tổng mức đầu tư khoảng 19.460 tỷ đồng từ vốn ODA của Nhật Bản. Dự kiến năm 2016, các hạng mục trên sẽ hoàn thành. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng đường sắt trên cao từ Ngọc Hồi đến Giáp Bát và từ Gia Lâm đến Yên Viên để hoàn thiện toàn tuyến từ Yên Viên đến Ngọc Hồi. Dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Khánh Tùng - Phụ trách giải phóng mặt bằng, BQL các dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết: “Theo nghiên cứu trong dự án, tổng số hộ di dời, giải phóng mặt bằng là 1. 711 hộ; toàn bộ số hộ trên đều phải bố trí tái định cư”.
Theo đó, 3 quận Long Biên, Hoàn Kiếm và Đống Đa có số hộ dân phải di dời nhiều nhất. Tại quận Hoàn Kiếm, tuyến đường sắt bắt đầu chạy từ đường Điện Biên Phủ sang cầu Long Biên mới (sẽ được xây dựng cách cầu cũ chừng 30m về phía thượng lưu sông Hồng). Tuyến này sẽ chạy qua địa bàn 5 phường gồm Cửa Nam, Cửa Đông, Đồng Xuân, Hàng Bông và Hàng Mã.
Trong 5 phường trên, phường Đồng Xuân có số lượng di dân nhiều nhất với khoảng hơn 100 hộ do liên quan đến GPMB xây dựng cầu Long Biên mới; còn rải rác khoảng vài chục hộ mỗi phường còn lại. Quận Đống Đa có các phường Phương Liên, Phương Mai, Khâm Thiên, Trung Phụng, Văn Miếu có diện tích đất nằm trong diện phải di dời.
Trong đó, phường Khâm Thiên giải toả nhiều nhất với trên dưới 100 hộ. Nắm “kỷ lục” về số dân phải di dời là quận Long Biên với hơn 800 hộ phải di dời (trên tổng số 1.711 hộ di dời trong toàn dự án). Nguyên nhân do tuyến đường sắt trên cao chạy dài nhất qua Long Biên.
Các quận nội thành sẽ tái định cư bằng chung cư
Một số quận huyện khác cũng có diện tích nằm trong diện di dời gồm Hoàng Mai, Thanh Trì. Tại quận Hoàng Mai, số dân phải GPMB không nhiều, chỉ có vài chục hộ tại phường Hoàng Liệt và Thịnh Liệt. “Vùng này có sẵn diện tích của ga Giáp Bát hiện giờ, nên không phải giải toả nhiều nhà dân, chỉ giải toả thêm ít đất dọc theo hai bên tuyến ga để mở rộng thêm cho tuyến mới thôi. Vùng Ngọc Hồi cũng tương tự, có sẵn diện tích ga nên di dân không nhiều”, ông Tùng giải thích.
Theo đó, việc GPMB sẽ theo tuyến đường sắt cũ, tức là vẫn bám sát theo các tuyến đường sắt sẵn có, chỉ mở rộng phạm vi ra hai bên đảm bảo bề ngang của tuyến mới sẽ là 17,32m. Tổng diện tích thu hồi (mới) để xây dựng tuyến đường sắt trên cao là khoảng 125 ha, chưa kể những tuyến ga cũ có sẵn. Nếu tính cả các ga cũ thì khoảng 146 ha.
Hiện việc tái định cư cho các hộ phải di dời đã được Hà Nội thống nhất. Theo đó, các quận nội thành gồm Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm sẽ được tái định cư bằng căn hộ chung cư; huyện Thanh Trì được thống nhất sẽ tái định cư bằng đất.
Riêng quận Long Biên, ông Tùng cho biết hiện chưa thống nhất phương án cụ thể, vì số dân GPMB ở đó lớn, trong khi đất tái định cư của quận lại ít, nên trong giai đoạn sau của dự án sẽ nghiên cứu chi tiết xem nên tái định cư theo phương thức nào. Có thể sẽ tái định cư bằng cả đất và căn hộ chung cư.
Theo tính toán ban đầu, tổng số tiền chi cho GPMB là 3.180 tỉ đồng. Nhưng tới đây, với mặt bằng giá mới thì chắc chắn con số này sẽ tăng lên.
Về tiến độ của dự án với ý kiến lo ngại sẽ thành dự án “treo”, phía đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đường sắt (Bộ GTVT) khẳng định, dự án có làm được hay không, có đúng tiến độ hay không là do GPMB, chứ không phải do vốn hay kỹ thuật. Vì vốn thì không thiếu và kỹ thuật cũng đảm bảo. Mà việc GPMB dự án này là do phía Hà Nội làm chủ đầu tư, có nghĩa giao thông Hà Nội có sớm giải quyết được ách tắc hay không là do chính UBND thành phố.
(Theo GĐXH)