Hội đồng Thẩm định đã thống nhất xác định hệ thống các trung tâm: trung tâm chính trị – hành chính quốc gia ở Ba Đình, các cơ quan thuộc Chính phủ được quy hoạch, bố trí tại những khu vực, vị trí phù hợp.
Trung tâm chính trị, hành chính của thủ đô ở khu vực xung quanh hồ Gươm, theo tính chất, chức năng sẽ được bố trí phù hợp với nhu cầu quản lý nhà nước của thủ đô.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển khung giao thông chính của thủ đô theo hướng hiện đại, đa dạng, tốc độ nhanh; khung giao thông chính với các trục hướng tâm kết hợp vành đai: các tuyến bắc nam, đông tây và các trục hướng tâm dẫn vào thành phố… hạn chế phát triển dàn trải, bám theo các tuyến giao thông... ba loại hình xe buýt nhanh, đường sắt đô thị (UMRT) kết hợp mạng lưới đường bộ tạo sự kết nối giữa các đô thị vệ tinh và thành phố trung tâm; hạn chế giao thông cá nhân là xu hướng chung của thế giới.
Hội đồng Thẩm định cũng nhất trí bổ sung làm rõ cơ sở phân tích, đánh giá tổng hợp quỹ đất xây dựng để lựa chọn đất phát triển đô thị, khu chức năng đô thị phù hợp với điều kiện phát triển của thủ đô; đồ án đã đề xuất định hướng quy hoạch sử dụng đất hợp lý, phù hợp với mô hình phát triển đô thị, tính chất chức năng của hệ thống đô thị, không gian, cảnh quan, văn hoá, lịch sử… của thủ đô.
Phát triển Hà Nội theo hướng đa cực
Hội đồng Thẩm định đã nhất trí cần phát triển thành phố Hà Nội theo hướng đa cực gồm: đô thị trung tâm hạt nhân trên cơ sở Hà Nội hiện có mở rộng đến vành đai 4, năm đô thị vệ tinh: Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên – Phú Minh, Sóc Sơn, các thị trấn sinh thái. Định hướng quy hoạch đô thị trung tâm hạt nhân gồm: khu vực lõi lịch sử hạn chế phát triển (0,8 triệu dân) từ hữu ngạn sông Hồng đến vành đai 2; khu vực nội đô mở rộng từ vành đai 2 đến sông Nhuệ và khu vực phát triển đô thị cao tầng nhằm giảm tải cho trung tâm thành phố từ sông Nhuệ đến vành đai 4 và khu vực Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm.
“Không gian xanh” với hành lang xanh, vành đai xanh,… được điều chỉnh với mục đích cân bằng giữa phát triển và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, nhân văn, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, kết hợp với vùng chặn lũ và không gian mặt nước cây xanh sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tích, sông Đuống. Vành đai xanh sông Nhuệ được hình thành nhằm cách biệt giữa chùm các khu đô thị mới (vành đai 3 – vành đai 4) với đô thị trung tâm hạt nhân, có tác dụng như “vùng đệm”, và là “khu vực chuyển tiếp” về không gian từ khu vực trung tâm Hà Nội cũ với phần đô thị phát triển mở rộng (đến vành đai 4).
Tuy nhiên, để quy hoạch đạt chất lượng cao và triển khai khả thi, hội đồng Thẩm định nhà nước đã yêu cầu bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo liên danh tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và của hội đồng Thẩm định nhà nước, hoàn thiện thêm một số nội dung trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đồ án quy hoạch chung Hà Nội” dự kiến vào cuối tháng 9.2010.
(Theo SGTT)