Theo Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, trong quy hoạch thủ đô đến năm 2030, nên nghiên cứu đặt Trung tâm hành chính quốc gia tại khu phía Tây Hồ Tây, để tạo sự gắn kết với đô thị cũ.
Sáng 9/7, lãnh đạo Hà Nội đã nghe Liên danh tư vấn quốc tế PPJ trình bày báo cáo xây dựng Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Trong 2 phương án Liên danh tư vấn PPJ (Perkins Eastman - Posco E&C - JINA) đưa ra, có đề cập vành đai xanh quy mô lớn của thủ đô và ý tưởng về vị trí Trung tâm hành chính quốc gia. Cấu trúc không gian thủ đô được xây dựng theo hành lang xanh, vùng công nghiệp, vùng nhà ở, các cụm khu vực, các cụm làng đảm bảo mục tiêu đạt 10 triệu dân vào năm 2030.
Theo báo cáo của Liên danh tư vấn, phương án A có ưu điểm là tạo được hành lang xanh rộng 10-12 km và khu vực hai thành phố vệ tinh lớn, tận dụng tối đa đầu tư cơ sở hạ tầng và giao thông. Song nhược điểm của phương án này là Trung tâm hành chính quốc gia đặt xa vị trí trung tâm cũ (khu Ba Đình - Hoàn Kiếm).
Phương án B đề cập xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia là nòng cốt, các thành phố vệ tinh hoặc các chuỗi đô thị xung quanh với quy mô nhỏ hơn tạo thuận lợi cho các vùng đô thị chức năng...
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Lã Thị Kim Ngân, cả 2 phương án mà liên danh đưa ra đều không khả thi. Nếu đặt Trung tâm hành chính quốc gia giữa sông Đáy và sông Tích là quá xa với khu trung tâm cũ. Ngoài ra, không nên đặt trung tâm hành chính nằm giữa 2 thềm sông là khu vực đất phì nhiêu, phát triển nông nghiệp tốt. Còn nếu đặt ở phía bắc sông Hồng tại khu Thạch Bàn thì phải vượt qua sông Hồng, tính kết nối với thành phố giảm rõ.
Theo bà Ngân, vị trí thích hợp nhất của Trung tâm hành chính quốc gia là khu vực từ bán đảo Tây Hồ đến Hoài Đức hoặc Từ Liêm.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng nhận xét, Trung tâm hành chính quốc gia mà không có sự gắn kết với đô thị thì sẽ là thành phố chết. Do vậy, không nên nghĩ đến chuyện đặt trung tâm này ở Thạch Thất hay Quốc Oai, Ba Vì mà hãy nghiên cứu đặt ở khu Tây Hồ Tây.
Liên quan đến vấn đề vành đai xanh, ông Thảo cũng cho rằng phải làm rõ khái niệm này để không phải xoá bỏ làng xã để làm vành đai xanh.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, ý tưởng về hành lang xanh rất đáng quan tâm nhưng phải làm rõ xanh ở đây là gì, bao nhiêu phần trăm là mặt nước, cây nông nghiệp...
Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố lại băn khoăn, vấn đề mật độ dân cư, phân bố dân cư chưa được thể hiện rõ trong báo cáo quy hoạch. Cơ quan tư vấn phải làm rõ dân số đô thị như ở Hà Đông, Đan Phượng là bao nhiêu, để làm cơ sở phát triển hạ tầng.
Quy hoạch này dự kiến được phê duyệt vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
(Theo Vnexpress)